Sang nhà hàng xóm chơi, bé trai 2 tuổi bị chó cắn gây thương tích nặng

06-09-2021 12:00:11

Khi đang chơi bên nhà hàng xóm, cháu bé không may bị chó tấn công gây thương tích nặng vùng đầu và mặt. Ngay sau đó cháu bé được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Sự kiện:
Nghệ An

Sáng 6/9, thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, các bác sỹ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho cháu bé H.A.T. (2 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Nghệ An) bị chó cắn gây tổn thương nghiêm trọng ở vùng đầu và mặt.

Khai thác bệnh sử, mẹ bệnh nhi cho biết khi đang chơi bên nhà hàng xóm, bé T. không may bị chó tấn công. Phát hiện sự việc, người thân vội đưa cháu bé đến trạm y tế để sơ cứu, sau đó nhanh chóng chuyển tuyến đến bệnh viện cấp cứu.

Thời điểm được đưa đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bé T. trong tình trạng bị hoảng loạn, đau đớn, quấy khóc. Vùng đầu, mặt của bé bị chảy máu nhiều, có vết thương lớn, rách toạc da đầu, lộ rõ xương thái dương, kèm nhiều vết cắn sâu, rải rác vùng má và đầu.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm, chụp chiếu và hội chẩn chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Chấn thương Chỉnh hình. Bệnh nhi được chuyển đến khoa Gây mê hồi sức để phẫu thuật cấp cứu, xử trí vết thương.

Các bác sĩ phẫu thuật  cấp cứu, xử trí vết thương cho bệnh nhi T. Ảnh: BVSNNA

Bác sĩ Nguyễn Quang Hà (khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An) - phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết, sau một ngày điều trị, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, đồng thời được tiêm phòng dại kịp thời.

"Ê-kíp đã tiến hành mổ cấp cứu, cắt lọc tổ chức bị hoại tử, khâu tạo hình lại vết thương cho bệnh nhi. Sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật đã thành công. Sau một ngày, cháu bé được tiêm phòng vaccine ngừa bệnh dại".

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhi bị chó cắn sẽ để lại ám ảnh đau đớn rất lâu dài, đó là những vết sẹo về cả tinh thần lẫn thể xác. Các bậc phụ huynh hãy cân nhắc và thật cảnh giác khi nuôi chó trong nhà. Nếu vì lý do nào đó phải nuôi chó thì hãy cách ly với trẻ con và không cho tiếp xúc. Nếu trẻ bị chó cắn, gia đình nên rửa sạch vết thương, sơ cứu, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chữa trị kịp thời. 

Ngoài ra, do hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và tỷ lệ tử vong là 100 nên khi bị chó cắn, gia đình phải đưa trẻ đi tiêm phòng dại trong vòng 24 giờ, đặc biệt với những vết thương vùng đầu mặt, cổ, gần thần kinh trung ương.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Thời đại //