Sai lầm phổ biến khi chăm con sốt các mẹ cần tuyệt đối tránh
Trẻ em rất hay bị sốt, tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm, nhiều bà mẹ luống cuống chăm con sai cách khiến bệnh tình của trẻ càng nặng hơn.
Cố cạy răng khi bé bị co giật
Những bé từ 6 tháng đến 6 tuổi có thể bị co giật khi sốt cao đột ngột. Thường những cơn co giật này kéo dài khoảng 1 phút và tự ngưng. Khi bé co giật biểu hiện thường thấy là mắt trợn ngược lên hay đứng tròng, không biết gì, sùi bọt mép, tay và chân giật từng hồi liên tục.
Trong trường hợp này, điều quan trọng là cha mẹ phải thật bình tĩnh, để bé nằm nghiêng một bên cho đờm nhớt có thể chảy ra ngoài và làm thông thoáng đường thở của bé.
Bạn có thể nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn bé và lau ướt người bé bằng nước ấm, chờ một vài phút cho bé hết co giật và thở đều trở lại rồi đưa con đến bệnh viện. Bố mẹ không nên cố cạy miệng bé ra và nhét một vật gì đó vào hay cạo gió cho bé.
Ủ kín hoặc cởi hết đồ của trẻ khi đang sốt
“Thân nhiệt trẻ đang tăng cao, phải mặc thoáng mát thì mới hạ được sốt thì nhiều bà mẹ lại ủ ấm cho con khiến thân nhiệt càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật”, PGS.TS Lê Thanh Hải, PGĐ BV Nhi TW cho biết.
Ngoài ra, chỉ nên cởi bớt đồ của trẻ chứ không cởi hết, cũng không ủ kín con trong nhiều lớp chăn hoặc áo quần vì sẽ khiến trẻ bị co giật. Hiện tượng này rất nguy hiểm, dẫn đến những tổn thương ở não, gây nên chứng động kinh về sau.
Lạm dụng paracetamol
Paracetamol là loại thuốc hạ sốt dùng quá phổ biến và chính sự phổ biến này khiến tình trạng ngộ độc paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên. Tại Việt Nam cũng có nhiều ca ngộ độc paracetamol ở trẻ em do dùng thuốc này quá bừa bãi.
Hơn nữa, cùng hoạt chất paracetamol nhưng có rất nhiều loại thuốc với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Có những người vừa cho con uống thuốc hạ sốt này, lại uống thêm loại thuốc khác. Hay khi chưa được 4 tiếng con đã sốt lại, nhiều người vẫn vô tư dùng, vì nghĩ cứ sốt là uống mà không lường hết nguy cơ của việc lạm dụng thuốc.