Rèn luyện cho trẻ để phòng mắc chứng rối loạn phân ly

01-12-2022 10:17:59

Để phòng tránh cho trẻ mắc chứng rối loạn phân ly quan trọng nhất là rèn luyện cho trẻ có một nhân cách vững mạnh ngay từ nhỏ.


Đoàn công tác của Sở Y tế Cao Bằng kiểm tra, đánh giá các vấn đề về tâm lý, sức khỏe của học sinh tại điểm trường Nà Rại. Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng

Trong đó gồm: Tính tự lập, tự chủ, biết chịu đựng gian khổ, biết kiềm chế bản thân, có lý tưởng vững mạnh… Đồng thời, tạo một môi trường sinh sống và học tập lành mạnh trong sạch, tránh các sang chấn tinh thần...

Bệnh khởi phát từ sự kiện căng thẳng

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận 18 học sinh tại điểm trường Nà Rại, thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng tự nhiên ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động... Thời gian các em xuất hiện triệu chứng khoảng 3 - 5 phút, tăng dần lên 10 - 30 phút. Sau đó, các em ngủ lịm khoảng 10 - 20 phút thì tỉnh lại và tiếp xúc bình thường.

Ngay sau đó, các ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng đã kiểm tra, đánh giá các vấn đề về tâm lý, sức khỏe của các em. Qua khai thác, thu thập thông tin từ các thầy, cô giáo tại điểm trường Nà Rại và phụ huynh, học sinh chỉ có các biểu hiện bất thường khi ở nơi đông người, không xuất hiện lúc ở một mình.

Các bất thường này chủ yếu xuất hiện khi học sinh đang ở trường học, có tính chất lây lan. Càng tập trung nhiều người chú ý, chăm sóc lại càng có nhiều em xuất hiện triệu chứng như vậy. Các cơ quan chức năng sau khi kiểm tra tâm lý của học sinh kết luận trẻ bị rối loạn phân ly.

Chia sẻ về rối loạn phân ly, ThS Huỳnh Thị Phương Dung, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, đây là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 11 – 300/100.000 dân. Bệnh khởi phát từ một sự kiện căng thẳng, thường xảy ra ở những người trẻ, nữ mắc nhiều hơn nam.

Các triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn phân ly tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng. Trong đó, người mắc có thể cảm thấy không làm chủ được cảm xúc của mình, hoặc gặp vấn đề khi đối diện với cảm xúc mãnh liệt. Đồng thời, thay đổi tâm trạng đột ngột và bất ngờ.

Ngoài ra, người bị rối loạn phân ly cũng có thể gặp vấn đề về trầm cảm hay lo lắng, có cảm giác như thể thế giới bị bóp méo hoặc không có thật. Bệnh nhân có các vấn đề về trí nhớ dù không liên quan đến chấn thương thể chất hoặc điều kiện y tế.

Đồng thời, có các vấn đề khác về nhận thức (liên quan đến suy nghĩ) như mất tập trung. Một số dấu hiệu khác bao gồm: Mất trí nhớ trong khoảng thời gian nhất định, liên quan đến sự kiện, con người, thông tin cá nhân; Bản thân cảm thấy cần phải cư xử theo một cách nhất định; Sự nhầm lẫn danh tính.

Phát sinh trong thời gian ngắn sau sang chấn

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn - Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh rối loạn phân ly là các sang chấn tâm lý (stress) hay hoàn cảnh xung đột. Các stress gây bệnh thường là những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thật vọng nặng nề… Bệnh phát sinh một thời gian ngắn ngay sau khi có sang chấn.

“Bệnh thường xảy ra ở các đối tượng có một nhân cách đặc biệt. Hoàn cảnh sinh sống, phương pháp giáo dục không thích hợp đã hình thành cho trẻ những nét tính cách như: Thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế bản thân, thích được chiều chuộng, thích phô trương, chịu đựng kém các khó khăn của cuộc sống, của môi trường, lý tưởng bản lĩnh không vững mạnh”, bác sĩ Hoàn giải thích.

Ở những người này, hệ thống tín hiệu ý chí vì nhiều lý do bị suy yếu. Khi đó, hệ thống tín hiệu bản năng chiếm ưu thế. Nói cách khác, ở những nhóm này, hoạt động lý trí bị giảm sút và hoạt động cảm xúc bản năng trội hơn.

Ngoài ra, các nhân tố có hại của môi trường cũng là một yếu tố thúc đẩy bệnh phát sinh như bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, thiếu dinh dưỡng, kiệt sức, căng thẳng… Những yếu tố này tác động mạnh hoặc kéo dài và làm suy yếu hoạt động vỏ não.

Rối loạn phân ly biểu hiện qua các triệu chứng cơ thể và thần kinh như: Cơn co giật, ngất xỉu, run rẩy, liệt chân tay. Người bệnh cũng có thể rối loạn phát âm như không nói, nói lắp, nói khó, các rối loạn giác quan: Mù, điếc; Các rối loạn cảm giác: Đau, tê, mất cảm giác; Các rối loạn thực vật nội tạng: Nấc, nôn, co thắt cơ…

Người bệnh đồng thời có thể gặp các triệu chứng tinh thần gồm: Khóc cười (cảm xúc không ổn định), dễ lây cảm xúc của người khác; Ảo thị; Tư duy cụ thể, hình tượng, quá trình phân tích và tổng hợp nông cạn, nói nhiều về bản thân mình, trình bày bệnh tật, khơi gợi sự chú ý của những người khác (phô trương).

Đồng thời, người bệnh có trí tưởng tượng phong phú, có thể có bịa chuyện hấp dẫn ly kỳ, lời nói trầm bổng…. Hoặc, người bệnh có tác phong hành vi nhiều kịch tính, nhiều tính phô trương, hành vi tự phát thiếu kiềm chế do bản năng chi phối.

Để điều trị, người mắc rối loạn phân ly chủ yếu được áp dụng các liệu pháp tâm lý (ám thị cá nhân và tập thể), an thần, trấn tĩnh, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, biện pháp khác là châm cứu, bấm huyệt hoặc thư giãn luyện tập, cách ly để không lây lan ở các môi trường tập thể có cùng hoàn cảnh.

Về điều trị lâu dài và phòng bệnh, bác sĩ Hoàn cho biết, quan trọng nhất là rèn luyện cho trẻ có một nhân cách vững mạnh ngay từ nhỏ. Trong đó gồm: Tính tự lập, tự chủ, biết chịu đựng gian khổ, biết kiềm chế bản thân, có lý tưởng vững mạnh… Đồng thời, tạo một môi trường sinh sống và học tập lành mạnh trong sạch, tránh các sang chấn tinh thần (căng thẳng) do các thành viên tự gây ra cho nhau. Có sự hài hòa giữa học tập, lao động và nghỉ ngơi hợp lý.

“Rối loạn phân ly không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như khả năng lao động học tập. Tuy nhiên, tình trạng này ít nhiều có ảnh hưởng về tâm lý tình cảm. Dự phòng để bệnh không xảy ra là quan trọng và cần thiết”, bác sĩ Hoàn chia sẻ.

Vân Huyền
Theo Giáo dục & Thời đại //