Phụ huynh Sơn La: “Mong nghiêm trị dù đó là con cháu lãnh đạo nào”
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết luận điều tra vụ gian lận tại Sơn La, phụ huynh tỉnh này bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng công bố danh sách thí sinh được nâng điểm và phải nghiêm trị dù đó là con cháu lãnh đạo nào.
“Không thể cứ có tiền là nghiễm nhiên được vào học”
Chia sẻ với VietNamNet sau khi một số thông tin ban đầu của kết quả điều tra được công bố, chị Hoa, một phụ huynh tại tỉnh Sơn La cho biết:
“Bản thân tôi và nhiều phụ huynh khác vô cùng phẫn nộ khi biết có những học sinh lực học rất bình thường, thậm chí là kém nhưng lại có điểm cao ngất ngưởng. Tôi nghĩ kết quả của Sơn La còn nhiều hơn con số 44 mới đây được nêu ra.
Tôi mong cơ quan chức năng sớm công bố danh sách thí sinh được nâng điểm; đồng thời có hình thức xử lý nghiêm những phụ huynh đã chạy điểm cho con và cả những người liên quan bao che cho hành vi này. Dù đó là con ai, cháu lãnh đạo nào cũng phải thật nghiêm trị để răn đe cho những năm sau”.
“Đối với thí sinh nếu không đủ điểm tốt nghiệp thì phải thi lại. Với những việc như vậy, họ không đủ tư cách để ngồi trong bất kỳ môi trường cao đẳng, đại học nào”, chị Hoa bày tỏ nguyện vọng.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn được nâng khống điểm tại Sơn La.
Cũng theo vị phụ huynh này, việc công bố danh sách gian lận sẽ giúp lấy lại công bằng cho nhiều học sinh khác, bởi nhiều nguồn tin cho rằng, không ít thí sinh có điểm cao bất thường trong tỉnh là con cháu lãnh đạo các phòng ban.
“Con chúng tôi được hưởng nửa điểm ưu tiên cũng quá khổ sở. Nhiều em gia đình không có điều kiện, để đạt được 22, 23 điểm phải khổ luyện học hành. Trong khi đó nhiều người học hành làng nhàng, không chú tâm mà điểm thi 3 môn nâng lên 26,55 tức gần 9 điểm/ môn. Điều đó thực sự bất công”.
Chị Dung, một phụ huynh khác tại tỉnh Sơn La cũng cùng chung nỗi bức xúc. Là một người đầu tư cho việc học hành của con, chị Dung cho biết, bản thân chị phải mất rất nhiều tiền cho con đi học thêm, thậm chí là nhiều khóa học khác ở bên ngoài nên điểm thi tiếng Anh của con mới đạt được 8.5 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Vì vậy, việc nhiều thí sinh không học hành tử tế nhưng nghiễm nhiên được 9, 10 điểm/ môn là điều vô cùng bất công.
“Những em điểm kém không thể cứ có tiền là nghiễm nhiên được vào học”, chị Dung bày tỏ.
Kết quả cao hay thấp, theo chị Dung, 44 học sinh chắc chắn không thể được đi học nữa. Chị Dung lấy dẫn chứng, có không dưới 3 em tại địa phương của chị, Thị trấn Hát Lót (Mai Sơn), sau khi thi xong đều không giấu diếm bạn bè rằng “đã được lo lót và chắc chắn đỗ”.
“Những em này đều có người nhà làm chức to hoặc làm ở các ban thi. Các em đã đỗ vào những trường ĐH lớn và vẫn đang theo học. Tôi khẳng định những học sinh này đều biết việc mình được nâng điểm.
Trong khi con cái chúng tôi cũng đi học, cũng chật vật ôn luyện nhưng những học sinh khác chỉ cần có tiền đã vào được trường đại học lớn thì quá bất công. Tôi mong các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm những người vi phạm”, chị Dung bày tỏ.
“Tôi sẽ lên án nếu cách làm của Bộ chỉ mang tính điểm danh”
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng, vụ việc tại Sơn La và nhiều địa phương khác đang dần khiến xã hội mất niềm tin vào kỳ thi THPT quốc gia. Để lấy lại niềm tin ấy, theo thầy Hiếu, “Bộ GD-ĐT cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng làm đến tận cùng chứ không làm kiểu thí điểm, điểm danh để chứng minh Bộ đang xử lý”.
“Địa phương nào sai ở mức độ nào phải xử lý ở mức độ đó. Nếu những người nằm trong danh sách tiêu cực là con cháu quan chức cũng không được phép nhân nhượng”, thầy Hiếu nói.
Bản thân thầy Hiếu cho rằng, sẽ là một bi kịch nếu những người học hành bài bản chưa chắc đã đỗ, còn những người không học mà chạy điểm lại trở thành thủ khoa. Và một điều còn bi kịch hơn nữa, nếu việc gian lận này không xử lý triệt để sẽ kéo theo nhiều gian lận khác.
“Từ điểm thi đầu vào không thực chất dẫn đến 4 năm học tiếp tục chạy điểm. Những người này ra trường đi làm rồi tiếp tục chạy chức chạy quyền. Thử hỏi những cán bộ viên chức sản sinh từ những tiêu cực đó có năng lực hay không?”
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An
“Do vậy, Bộ trưởng muốn lấy lại sự công bằng cho một kỳ thi cần phải làm đến nơi đến chốn và chấp nhận việc “mổ xẻ sẽ rất đau”. Nhưng đã đau thì đau một lần để người học, người dạy tin tưởng kỳ thi sắp tới sẽ rất sòng phẳng. Còn nếu không, cá nhân tôi là người đi dạy cũng mất niềm tin. Những học trò của tôi đi học cũng mất niềm tin”.
“Tôi sẽ ủng hộ cách làm quyết liệt của Bộ. Và tôi cũng sẽ lên án nếu cách làm đó chỉ mang tính điểm danh”, thầy Hiếu bày tỏ quan điểm.
Còn theo thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT chuyên ĐH Sư Phạm Hà Nội, sự việc này vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của không chỉ 44 thí sinh bị cướp mất chỗ mà còn gấp nhiều lần con số 44 ấy.
"Nhiều thí sinh đã bị chuyển xuống các nguyện vọng thấp hơn khi xét tuyển theo hệ thống. Biết bao ước mơ, hoài bão của những thí sinh chân chính đã bị phá huỷ. Bao nhiêu em đã phải rẽ nhánh ước mơ của mình sang một hướng khác? Theo tôi, điều này không thể nào chấp nhận được".
Thầy Công cho rằng, với một thí sinh từ 1 điểm/ môn được nâng lên thành thủ khoa toàn quốc thì không thể nói rằng thí sinh đó không biết.
"Gia đình biết, thí sinh biết,... Liệu khi học xong ra trường, những thí sinh này có trở thành người chính trực không khi ngay ở ngưỡng cửa của người trưởng thành, các em đã chấp nhận điều bất lương?
Theo tôi, Bộ GD-ĐT và Bộ Công An cần tiếp tục vào cuộc ở các tỉnh khác có dấu hiệu bất thường, thanh tra lại năm trước và những năm trước nữa. Nên coi đây như một cuộc "đại phẫu" cắt bỏ những "ung nhọt" và lấy lại niềm tin của xã hội. Và hơn hết, cần phải xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm dù đó là bất kỳ ai".