Phong tục đón Tết của người Thu Lao: Trưa mùng 1 mới gói bánh chưng đón Tết
“Khi thưởng thức đồ chay xong, mọi người trong gia đình vẫn đón Tết bình thường. Đến khoảng 1h chiều mùng 1 Tết tôi bắt đầu gói bánh chưng”, chị Sơn cho biết.
Trưa mùng 1 Tết người Thu Lao mới bắt đầu gói bánh chưng để đón Tết.Ảnh Q.A
Trưa mùng 1 Tết gói bánh chưng
Bánh chưng là một trong những món không thể thiếu của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy những ngày trước Tết dù bận đến mấy người dân cũng phải tranh thủ gói bánh để thắp hương tổ tiên.
Thậm chí, nhiều dân tộc đã lo mua sắm, tích góp cho cái Tết từ vài tháng trước. Từ việc nuôi đàn gà, vỗ béo lợn, kiếm ít măng phơi khô... cho đến tích trữ gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh, miến, mộc nhĩ… đã được các bà nội trợ lo toan hết trước đó.
Dù nhà có nghèo đến đâu, cũng cố gắng làm sao để mọi người trong gia đình được ăn ngon hơn, có nhiều món ăn được bày trong mâm cơm hơn. Tuy vậy, nhưng mỗi kiểu ăn Tết của đồng bào đều biểu hiện nét đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc mình. Đối với người Thù Lao ở Nàn Sán (Si Ma Cai, Lào Cai), cũng vậy Tết Nguyên đán được người dân vui chơi đến hết 16 tháng giêng Âm lịch mới bắt đầu hóa vàng.
Khác với người Kinh, người Thu Lao chiều 30 Tết cúng mâm cơm canh nhưng không cúng bánh chưng, mùng 1 Tết họ mới bắt đầu gói bánh và mùng 2 bắt đầu cho bánh lên bàn thờ Tết.
Để tìm hiểu về tục lệ gói bánh chưng trong ngày mùng 1Tết của người Thu Lao, Đời Sống Plus đã có mặt tại gia đình chị Thèn Thị Sơn (ở Na Hối, Bắc Hà, Lào Cai) để ghi lại khoảnh khắc gói bánh chưng ngày mùng 1 Tết.
Trao đổi với Đời Sống Plus, chị Sơn cho biết, chị là dân tộc Nùng nhưng kết hôn với anh Thèn Văn Thắng (dân tộc Thu Lao, ở Nàn Sán Si Ma Cai), bởi vậy mọi phong tục tập quán chị đều phải theo gia đình nhà chồng.
Người Thu Lao không gói bánh chưng vuông mà gói bánh chưng đen hay còn gọi là bánh gù. Ảnh Q.A
Theo chị Sơn, sáng mồng 1 Tết, người Thu Lao không ăn mặn mà ăn chay. Bởi vậy gia đình chị Sơn không làm mâm cơm canh mà làm bánh trôi nước để cúng ông bà tổ tiên đồng thời chiêu quân âm binh về ăn Tết, phù hộ, độ trì cho gia chủ.
Clip gói bánh chưng đen của người Thu Lao vào mùng 1 Tết
Sau khi tục cúng chay hoàn tất, mọi người trong gia đình quây quần, cùng nhau thưởng thức đồ chay do chính tay mình làm. Hương vị thơm mát, ngọt nhẹ của món bánh trôi trong ngày mồng 1 Tết khiến ai ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Màu đen của bánh được làm từ tro của vỏ cây núc nác. Vỏ cây được phơi khô, đốt thành tro và nghiền mịn. Ảnh Q.A
Mùng 2 mới bắt đầu đón Tết
“Khi thưởng thức đồ chay xong, mọi người trong gia đình vẫn đón Tết bình thường. Đến khoảng 1h chiều mùng 1 Tết tôi bắt đầu gói bánh chưng”, chị Sơn cho biết.
Những chiếc bánh chưng đen được chị Sơn gói rất nhanh. Ảnh Q.A
Cũng theo chị Sơn, để chuẩn bị cho công việc gói bánh chưng thì gia đình chị Sơn rửa lá từ năm trước chờ đến đúng mùng 1 mới bắt đầu gói bánh.
Vừa ngồi gói bánh, chị Sơn vừa chia sẻ: Người dân tộc không gói bánh chưng vuông mà gói bánh chưng đen hay còn được gọi là bánh gù. Bánh chưng đen được làm bằng gạo nếp truyền thống hạt tròn to lại vừa thơm, vừa dẻo.
Màu đen của bánh được làm từ tro của vỏ cây núc nác. Vỏ cây được phơi khô, đốt thành tro và nghiền mịn. Sau khi gạo ngâm nước, vo kỹ, vớt ra đem trộn với bột tro sao cho những hạt gạo tròn mẩy được bao bọc bởi màu đen của lớp tro mịn.
Thông thường chiếc bánh chưng có đường kính khoảng 7cm, dài khoảng 12 đến 15cm. Ảnh Q.A
Nhân bánh được làm bằng đỗ xanh, thịt lợn, thảo quả, hạt tiêu. Đỗ xanh được đãi sạch vỏ, luộc qua cho đỗ chín sơ sơ. Thịt lợn rửa sạch thái miếng dài khoảng 2 đốt ngón tay sau đó ướp với hạt thảo quả nướng giã nhỏ, tiêu bột.
Bánh được gói bằng lá dong rừng xanh mướt. Kích thước bánh to nhỏ tùy vào từng người gói, thông thường bánh có đường kính khoảng 7cm, dài khoảng 12 đến 15cm. Sau khi hoàn tất thủ tục gói bánh, 4h chiều chị Sơn bắt đầu cho lên bếp nổi lửa để đến sáng mùng 2 vớt bánh rồi bày lên ban thờ.
Nhìn rổ bánh của gia đình chị Sơn rất bắt mắt. Ảnh Q.A
“Tục lệ này có từ ngày xưa do ông bà truyền lại, với mong muốn mang may mắn, no ấm cho cả năm nên tôi cũng làm theo”, chị Sơn cho biết.
Tiếp theo, đến sáng mồng 2 Tết, người Thu Lao mới bắt đầu tổ chức đón năm mới thịnh soạn. Trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình đều có bánh chưng đen, thịt lợn, thịt gà đã được chế biến sẵn cùng bánh trôi nước để cúng ông bà tổ tiên.
Sau khi hoàn thiện chị Sơn bắt đầu cho bánh vào nồi để luộc chờ mùng 2 mới vớt bánh. Ảnh Q.A
“Mùng 2 Tết gia đình tôi thắp hương trên ban một con gà sống, rửa chân, rửa mặt và bắt đầu cúng cơm canh, hôm đấy mới gọi là Tết…”, chị Sơn chia sẻ.
Theo người dân tộc Thu Lao mùng 2 họ mới bắt đầu đón Tết cổ truyền chính thức. Ảnh Q.A
Sau đó, từng gia đình, dòng họ làm cỗ mời khách. Đó là những người anh em họ hàng, bè bạn xa gần đến chúc Tết. Quanh mâm cơm ngày Tết, mọi người ăn uống vui vẻ, bàn bạc công việc làm ăn của những ngày sắp tới và cùng chúc nhau những điều may mắn tốt lành.