Những món ăn khoái khẩu tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm sán

18-03-2019 08:02:00

Không chỉ món thịt lợn mà nhiều món ăn khoái khẩu của người Việt cũng có nguy cơ nhiễm sán: Tiết canh, nem chua, thịt bò tái, rau sống...


Một trong những nguyên nhân nhiễm sán được xác định từ thói quen ăn tiết canh lợn

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong những ngày qua đã có hơn 1.500 trẻ ở Thuận Thành – Bắc Ninh đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương để làmc ác xét nghiệm kiểm tra sức khoẻ. Tính tới thời điểm hiện tại đã có 209 trẻ có kết quả dương tính với sán lợn chiếm 9-10% số trẻ tới xét nghiệm.

Tại nước ta, bệnh sán dây/ ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở tất cả vùng miền. Nguyên nhân mắc bệnh liên quan chủ yếu đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Dưới đây là những món ăn được nhiều người yêu thích nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán.

Tiết canh

Một trong những nguyên nhân nhiễm sán được xác định từ thói quen ăn tiết canh lợn, thịt lợn, gan lợn chế biến tái. Mỗi năm khoa tiếp nhận hàng chục ca sán não, nguyên nhân mắc sán có thể do ăn tiết canh, thịt sống…

Tiết canh mang rất nhiều mầm bệnh từ máu của động vật gây tăng nguy cơ mắc giun sán, bệnh về tiêu hóa hay viêm não. Những quan niệm cho rằng đây là món ăn giàu dinh dưỡng đều hoàn toàn sai lầm. Do đó, chúng ta nên tuyệt đối tránh chúng và các món ăn chưa được nấu chín.

Nem chua

Nem chua sống là món ăn khoái khẩu của nhiều người, tuy nhiên, trong quá trình chế biến và bảo quản, món này mang rất nhiều rủi ro cho người ăn. Nem làm từ thính, thịt tươi và đa phần được làm thủ công. Trong quá trình chế biến, nếu không bảo đảm được vô trùng, món này rất dễ bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn do nhiều nguồn khác nhau như bàn tay người sản xuất, dụng cụ, nơi sản xuất bẩn, không bảo đảm vệ sinh. Thính và thịt nếu để quá hạn và gặp môi trường ẩm cũng rất dễ tạo ra nấm mốc và vi khuẩn độc hại.

Cùng vì nem chua chỉ là món thịt tái, không được đun nấu kĩ càng nên người ăn rất dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải nem được làm từ thịt lợn gạo (là loại lợn trong cơ có chứa các nang ấu trùng sán). 

Ốc

Ốc là món ăn phải ăn khi còn tươi sống. Nghĩa là khi ốc bị chết thì không ăn được nữa. Tuy nhiên, ốc là loài sống trong môi trường bùn sâu thường chứa rất nhiều các loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể. 

Ghê sợ hơn, mỗi con ốc có thể chứa tới từ 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, nếu ăn ốc, bạn phải nấu thật chín. Tuyệt đối không nên ăn ốc chín tái.

Một mẹo nhỏ là bạn hãy ngâm ốc với nước gạo và ớt để chúng nhả hết bùn và chế biến thật kĩ để ăn được an toàn hơn nhé!

Rau sống

Rau sống là một trong những thực phẩm có nguy cơ cao chứa các loại ký sinh gây hại. Những loại rau được trồng trên cạn như rau mùi, xà lách,... thường nhiễm các loại giun, sán.

Không những vậy, rau sống được tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi là mầm mống khiến cho ký sinh trùng sinh sôi. Ăn phải chúng sẽ dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như: Tiêu chảy, nhiễm giun sán, hay kiết lị.

Nên hạn chế ăn rau sống tại các hàng quán bởi chúng không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, khi mua rau về dùng cũng cần rửa lại nhiều lần và ngâm nước muối. Bạn cũng có thể tự trồng chúng tại nhà để đảm bảo vệ sinh hơn.

Thịt bò tái, bít tết

Ngày nay rất nhiều người ưa chuộng món thịt bò nhúng, tái bởi cho rằng nếu thịt bò nấu chín sẽ dễ bị dai và mất đi hương vị thơm ngọt. Tuy nhiên theo các chuyên gia sức khỏe, ăn bò tái là cách nhanh nhất đưa ký sinh trùng vào cơ thể. Tỷ lệ trâu, bò nhiễm sán lá gan lớn từ 31 đến 98%. Bệnh có diễn biến cấp tính, gây đau bụng vùng gan, tổn thương gan, nguy hiểm đến tính mạng.
 

Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 750 C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút. Để chủ động phòng bệnh sán dây lợn và ấu trùng sán lợn Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

1. Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

2. Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

3. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

4. Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.

 

Diệp Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //