Những điều cần biết khi trẻ mọc răng, thay răng
Trẻ em từ 6 tháng tuổi là trẻ bắt đầu mọc răng và từ 6 tuổi là bắt đầu thời kỳ thay răng cho tới khi 12 tuổi.
Trẻ bắt đầu mọc răng
Trong khoảng thời gian này cha mẹ cần chú ý một số vấn đề sau:
Khi mọc răng sữa, vì răng sữa tiếp cận với niêm mạc lợi, mà kích thích lợi có thể gây ngứa, chảy máu, sưng phù nên thường có hiện tượng như: ngậm tay, cắn vú mẹ, nước bọt nhiều, chảy dãi...
Thời gian trẻ bắt đầu mọc răng cần chú ý vệ sinh răng miệng, vệ sinh đầu vú hoặc núm bình sữa, rửa sạch đồ chơi.
Sau khi bú cần dùng nước sôi để nguội lau trong miệng cho trẻ, đề phòng viêm lợi.
Nếu phát hiện lợi viêm, loét cần sớm đưa trẻ đi khám chữa kịp thời. Khi trẻ mọc răng có thể cho ăn một số thức ăn cứng một chút như: Táo, lê, bánh quy... để trẻ cắn, nhai có tác dụng kích thích lợi thúc đẩy răng sớm phá lợi nhú ra.
Trẻ 6 tuổi bắt đầu thay răng, thời kỳ này cha mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng trẻ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn. Răng cửa vĩnh viễn hàm trên thường mọc phía trong răng cửa sữa hàm trên.
Nếu răng sữa chưa rụng có thể sẽ gây ra tình trạng răng mọc lẫy rất xấu cho trẻ, cho nên cần đưa trẻ đến bệnh viện để nhổ răng sữa lưu lại lấy chỗ cho răng vĩnh viễn mọc ra bình thường. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây ra tình trạng răng mọc lẫy rất xấu, không đều.
Cần phân biệt rõ răng hàm sữa số 2 và răng hàm vĩnh viễn số 1, để tránh sơ ý nhổ nhầm, dẫn tới tổn thương.
Cần chú ý sự phát triển của răng thừa, răng thừa thường có thành trên nhọn, có trường hợp gần giống răng bình thường. Nó chiếm chỗ làm cho răng bình thường mọc không đúng vị trí nên cần chú ý phát hiện sớm và nhổ kịp thời.
Người lớn cần sớm nhắc nhở trẻ các thói xấu như thè lưỡi, mút ngón tay, liếm răng, cắn môi... khi trẻ bắt đầu mọc răng. Nếu không sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của răng, làm hàm răng bị biến dạng.