Nhiễm HIV từ năm 16 tuổi, nam thanh niên vẫn sống khỏe mạnh, hạnh phúc cùng vợ con ở tuổi 32
Theo các chuyên gia, HIV không còn là bệnh “vô phương cứu chữa” mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được.
16 tuổi, P.N.V (SN 1987, sống tại Hà Nội) phát hiện mình bị nhiễm HIV. Đây là hậu quả của những lần quan hệ tình dục bừa bãi do thiếu hiểu biết ở tuổi mới lớn. Cú sốc tinh thần và luôn nghĩ rằng mình đã đối diện với "án tử", V bất cần, lao mình vào ma túy.
P.N.V chia sẻ về hành trình điều trị HIV của mình. Ảnh: N.Mai
Cuộc sống của V ngày càng trở nên bế tắc, tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt, thế nhưng, điều đặc biệt đã xảy ra. Nhờ được tư vấn, tiếp cận và tuân thủ điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) trong hơn 10 năm qua, hiện tại, tải lượng virus HIV của nam thanh niên này đã ở dưới mức phát hiện được, nghĩa là V không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình.
Bên cạnh tuân thủ điều trị HIV, V đã nỗ lực cai nghiện ma túy để làm lại cuộc đời và anh đã thành công. Chiều ngày 22/10, tại buổi khởi động Chiến dịch quốc gia "Không phát hiện = Không lây truyền" (K=K) do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, V tự tin nói với mọi người rằng, mình đang sống khỏe mạnh và hạnh phúc bên vợ con.
"Tôi không ngại nói về quá khứ, quan trọng là hiện tại và tương lai như thế nào. Tôi muốn nhắn nhủ với mọi người, nhất là những người nhiễm HIV rằng, niềm tin trong cuộc sống vô cùng quan trọng. Chỉ cần có niềm tin, chúng ta hoàn toàn có thể làm lại cuộc đời", P.N.V nói.
Câu chuyện của V cũng chính là thông điệp mà các chuyên gia tại buổi khởi động Chiến dịch "Không phát hiện = Không lây truyền" muốn lan tỏa. Đó là HIV không còn là bệnh "vô phương cứu chữa" mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được.
Theo đó, các nghiên cứu khoa học gần đây đã đưa ra bằng chứng rằng: "Một người uống thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính".
Toàn cảnh buổi lễ. Ảnh: N.Mai
Tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu được xác định là ngưỡng không phát hiện. Bằng chứng khoa học này được gọi là Không phát hiện = Không lây truyền.
Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Bằng chứng khoa học trên cũng giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Trên thế giới, tính đến ngày 30/7/2019 đã có 895 tổ chức từ 98 quốc gia trên thế giới chia sẻ thông điệp K=K và thông điệp này đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ khác nhau.
Tại Việt Nam, K=K bắt đầu được triển khai từ tháng 12/2017. Đến ngày 6/9/2019, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện truyền thông về K=K trên toàn quốc. Hiện nay, cả nước có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị.
Phát biểu tại sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, mục tiêu của Chiến dịch là nâng cao nhận thức của cộng đồng, bao gồm cả người cung cấp dịch vụ về nội dung và ý nghĩa của K=K.
"Chúng ta có thể đạt được mục tiêu 90-90-95 (90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV và 95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền) và kiểm soát được dịch với chiến dịch K=K", PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Chiến dịch này sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2019. Trong 3 tháng này sẽ diễn ra nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về K=K trong cộng đồng những người sống chung với HIV, các nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ nhiễm HIV cùng các tổ chức cộng đồng, cán bộ y tế và toàn xã hội.