Nguy cơ dịch sởi bùng phát, mẹ có nên phòng và chữa sởi cho con bằng hạt lá mùi?
Nhiều người cho rằng chỉ có tắm hạt lá mùi phụ huynh với có thể yên tâm về trẻ khi dịch sởi có nguy cơ bùng phát.
Bệnh sởi đang gia tăng nhanh tại nhiều địa phương và được dự báo sẽ còn tăng mạnh (ảnh minh hoạ)
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 1/3 cho biết dịch sởi bùng phát toàn cầu đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với trẻ em. Trong năm 2018, bệnh sởi vẫn ghi nhận tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đặc biệt có sự gia tăng số mắc tới 2,6 lần tại nhiều nước, trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi.
Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia trong thời gian gần đây. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, đến nay đã có 43/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi. Đáng lưu ý, có đến 98,7% mắc sởi có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không nhớ rõ việc tiêm vắc xin.
Trước nguy cơ dịch sởi bùng phát, những bài thuốc phòng bệnh sởi bằng hạt mùi lại được chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt gần đây nhiều người còn rao bán hạt mùi dưới dạng túi lọc với rất nhiều lời quảng cáo có cánh như tắm hàng ngày để "tăng tính kháng khuẩn", "không chỉ phòng được bệnh sởi mà còn có thể phòng được nhiều bệnh về da khác".
Nhiều người tin rằng cho trẻ tắm hạt mùi sẽ phòng được bệnh sởi
Hạt mùi chỉ giúp bệnh sởi mọc nhanh hơn
Tuy nhiên theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), hạt mùi không hề có tác dụng phòng bệnh sởi như những lời đồn thổi.
Theo lương y Trung, trong đông y, hạt mùi được sử dụng như một bài thuốc “thấu sởi”, để bệnh nhân chưa nổi ban sởi thì sẽ được kích thích để các ban nổi hết lên trên da, bệnh sẽ nhanh khỏi.
Trong Đông y, mùi (hay còn gọi là ngò ta, ngò rí) có vị cay, tính ấm, mùi thơm. Hạt mùi, lá mùi có thể dùng cho trẻ em mắc bệnh sởi thời kỳ đầu, sởi chưa phát, hoặc sốt kéo dài mà sởi chưa mọc hoặc mọc quá ít - dễ sinh những biến chứng nguy hiểm. Thời điểm này người ta dùng hạt mùi để cho ban nổi nhanh hơn, dễ chẩn đoán sớm bệnh sởi để chữa trị và cách ly cho khỏi lây sang đứa trẻ khác.
Cần đặc biệt lưu ý tuyệt đối không tắm hạt mùi, rau mùi lúc sởi đã mọc đều, thời kỳ toàn phát và hồi phục bởi dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Lương y Trung cũng cho rằng, người dân không nên nghe những lời đồn thổi thiếu căn cứ, chủ quan với dịch bệnh, khiến cho trẻ bị mắc bệnh. Bệnh sởi là do virus, cách tốt nhấ để phòng ngừa là tiêm vắc xin cho trẻ.
Những việc cha mẹ cần làm ngay để phòng bệnh sởi
Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh sởi lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vaccine sởi và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi.
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình:
- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vaccine sởi - rubella đầy đủ và đúng lịch.
- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.