Người phụ nữ chết lìa đầu ở TP.HCM mắc căn bệnh mà nhiều người Việt đang mắc nhưng lại hay che giấu
Người phụ nữ rơi lầu tử vong trong trạng thái không nguyên vẹn ở một chung cư tại TP.HCM từng điều trị trầm cảm ở nhiều nơi, thời gian gần đây trở nặng và thường nói chán sống.
Trầm cảm là căn bệnh đã có từ lâu, tuy nhiên trong xã hội hiện đại với nhiều áp lực thì ngày càng có nhiều người bị trầm cảm có xu hướng muốn tự sát.
Mới đây, vụ việc thi thể người phụ nữ tử vong không nguyên vẹn tại một chung cư ở phường Tân Hưng (quận 7, TP.HCM) khiến dư luận bàng hoàng.
Người phụ nữ nhảy lầu ở chung cư TP.HCM bị bệnh trầm cảm.
Điều tra ban đầu cho thấy, người phụ nữ này có tiền sử bệnh trầm cảm. Theo người em gái đang sống cùng, người phụ nữ này bị trầm cảm và từng điều trị tại nhiều bệnh viện tâm thần. Thời gian gần đây, chị có biểu hiện chán nản, đã nhiều lần chị nói chán sống và muốn tự tử.
Bệnh trầm cảm là một căn bệnh không còn hiếm gặp trong thời đại ngày nay. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Cũng theo WHO, có hơn 400.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm, tức là cứ mỗi giờ lại có 45 người chọn cách từ giã cõi đời. Tại Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện cũng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Một thống kê cho thấy có đến 6% dân số tại TP.HCM bị bệnh trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi.
Trầm cảm có thể đến từ bất cứ biến cố nào trong cuộc sống. Đó có thể là khoảnh khắc cô đơn khi bị mất người thân, ly dị, sống độc thân, thiếu sự hỗ trợ chăm sóc từ xã hội, cộng đồng hoặc do gen di truyền, lạm dụng rượu bia, thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc, thất nghiệp, bị lạm dụng tình dục...
Nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới. Trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân nam bị trầm cảm. Lý do dẫn đến việc này là do sự thay đổi hormone ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, bị sảy thai hoặc thời kỳ tiền mãn kinh. Người có tính cách rụt rè, kín đáo cũng dễ mắc trầm cảm hơn người hướng ngoại. Đáng chú ý, căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ do họ thường xuyên gặp áp lực trong học hành, thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ...
Ảnh minh họa
Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 - 30% mỗi năm.
Người bị trầm cảm thường có suy nghĩ mình có thể tự khỏi bệnh mà không cần ai giúp. Tuy nhiên việc tự tìm cách xoa dịu các dấu hiệu của bệnh hay trông chờ bệnh tự biến mất có thể khiến người mắc trầm cảm ngày càng thu mình, sống khép kín và bế tắc hơn, thậm chí có những hành động dại dột hại cho mình hoặc người khác. Và chúng ta đều biết, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là trầm cảm.
Đây là căn bệnh diễn ra khá âm thầm, khó nhận biết nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh và cả những người xung quanh.
Đáng lo ngại, những người bị bệnh này thường có tình trạng che giấu hoặc ngại đến bệnh viện vì lo sợ nhiều người dị nghị. Chính vì thế, đến khi điều trị thì bệnh đã biểu hiện khá phức tạp và khó điều trị nếu không kiên trì.
Vì thế theo khuyến cáo của các bác sỹ để phòng tránh bệnh này thì mỗi người phải xây dựng cuộc sống thoải mái, rèn luyện nhân cách mạnh mẽ để có thể đối diện với những tác động về môi trường. Ngoài ra, phải xây dựng các mối quan hệ trong gia đình, công việc tốt đẹp và phải xác định hướng phấn đấu hợp lý, theo đúng hoàn cảnh và khả năng của bản thân, tránh áp lực và tiêu cực cho bệnh nhân. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bệnh thì phải sớm đến các cơ sở y tế để điều trị và tuân thủ các phác đồ mà bác sỹ đề ra để tránh bệnh bị tái diễn.