Người đẹp thi Hoa hậu nói tiếng Anh gây tranh cãi, trả lời ngô nghê: Có đáng bị chỉ trích?
Thời gian qua, nhiều thí sinh thi nhan sắc trong nước, người đẹp đại diện Việt Nam "mang chuông đi đánh xứ người" liên tiếp gây tranh cãi vì nói tiếng Anh không rõ ràng, trả lời ngô nghê. Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia sắc đẹp đã chỉ ra điều những người đẹp Việt còn thiếu và rào cản khiến họ khó có thể tỏa sáng.
Bi hài chuyện người đẹp thi Hoa hậu nói tiếng Anh gây tranh cãi, ứng xử ngô nghê
Trong khi màn trả lời ứng xử, thuyết trình bằng tiếng Anh gây xôn xao dư luận của dàn thí sinh Lệ Nam, Hương Ly… tại chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 chưa kịp lắng xuống thì câu trả lời Doraemon là "nhân vật Disney" từ Á hậu Kim Duyên – đại diện Việt Nam đang thi Miss Supranational 2022 (Hoa hậu Siêu quốc gia) tiếp tục gây tranh cãi. Người đẹp gốc Cần Thơ ngay sau đó đã nhận về hàng ngàn bình luận tiêu cực, phán xét cho rằng cô "ngô nghê", "thiếu kiến thức"...
Thực tế, không chỉ Á hậu Kim Duyên gây tranh cãi khi đảm nhận vai trò đại diện Việt Nam "mang chuông đi đánh xứ người". Tại cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt 2017 diễn ra tại Mỹ, Phi Thanh Vân đăng quang với màn trả lời ứng xử khiến người xem "cười ra nước mắt", bị chê dài dòng và thiếu nghiêm túc khi cô gọi giám khảo là "anh đẹp trai".
Á hậu Kim Duyên xin lỗi sau trả lời Doraemon là "nhân vật Disney" gây tranh cãi. (Ảnh: FBNV)
Với những cuộc thi nhan sắc trong nước cũng có không ít màn trả lời ứng xử ngô nghê, lộ rõ lỗ hổng kiến thức, kỹ năng ứng xử... Trường hợp điển hình như thí sinh Phan Thị Thu Phương trong cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2014 với câu trả lời ứng xử muốn "mở giàn khoan" khi cô nhận được câu hỏi về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tiếp đó, thí sinh Vũ Ngọc Lụa trong cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 với câu trả lời ứng xử "khó đỡ" không kém khi cô nhận được câu hỏi: "Nếu đăng quang thì sẽ làm gì để bảo vệ môi trường biển?". Người đẹp này "hồn nhiên" trả lời rằng sẽ "về nhà ôm cha mẹ mình một cái" và "đi vòng vòng xóm" của mình để "dạy mấy đứa nhỏ cách nhặt rác thế nào"...
Hay màn trả lời ứng xử của thí sinh Bùi Thanh Hà (Hà Lade) tại cuộc thi Nữ hoàng trang sức Việt Nam 2017 khi cô trích dẫn sai danh ngôn của Bác Hồ. Cô nói: "Có sắc mà không có tài là người vô dụng. Có tài mà không có sắc làm việc gì cũng khó" trong khi lời dạy của Bác là: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".
Thực tế, không thể phủ nhận ứng xử là phần thi thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của các thí sinh trong các cuộc thi Hoa hậu. Phần thi này với sự thành thạo ngoại ngữ đã giúp nhiều người đẹp như: Thúy Vân - Á hậu 3 Miss International 2015, Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Miss Grand International 2021, Phương Khánh - Miss Earth 2018... gặt hái được thành tích đáng nể tại đấu trường nhan sắc quốc tế. Tuy nhiên, với những người đẹp không có trình độ, kiến thức về các lĩnh vực, không có khả năng thuyết trình, hùng biện trước đám đông... dễ khiến người đẹp Việt mất điểm tại cuộc thi, thậm chí gây ra những tranh cãi, bị "ném đá" từ dư luận.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Duy Khánh (Kenbi Khánh Phạm) – Trưởng Ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam cho rằng, không nên dựa vào một câu hỏi mà đã vội đánh giá thí sinh.
"Người chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp không phải là người giỏi tất cả các lĩnh vực vì con người không ai hoàn hảo tất cả. Việc Á hậu Kim Duyên nói Doraemon là "nhân vật Disney" không đến nỗi đáng trách. Và tôi nghĩ Ban tổ chức không dựa vào một câu hỏi mà đánh giá toàn bộ quá trình nỗ lực, phấn đấu của thí sinh thi dù là cuộc thi sắc đẹp trong nước hay tại đấu trường nhan sắc quốc tế", ông Khánh chia sẻ.
Người đẹp Việt đang thiếu gì khi "mang chuông đi đánh xứ người"?
Hiện tại, những cuộc thi sắc đẹp đình đám như: Miss Universe, Miss World, Miss International, Miss Earth… chưa từng công bố tiêu chí thí sinh phải thông thạo tiếng Anh. Các thí sinh hoàn toàn được phép sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong quá trình tham gia cuộc thi. Phía Ban tổ chức cũng luôn có phiên dịch để hỗ trợ thí sinh tại các vòng thi như phỏng vấn kín, ứng xử... Mặc dù tiếng Anh không phải là tiêu chí bắt buộc nhưng không có nghĩa là không cần thiết.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc đào tạo hoa hậu và nam vương, ông Phạm Duy Khánh chia sẻ với Dân Việt rằng: "Người không biết tiếng Anh cũng không phải không có cơ hội đăng quang. Thực tế, tại các cuộc thi nhan sắc tầm cỡ trên thế giới, đại diện Trung Quốc tham gia dù không biết tiếng Anh nhưng họ vẫn chiến thắng. Mặt khác, một thí sinh khi đã có đầy đủ các yếu tố từ nhan sắc, kỹ năng trình diễn, có kiến thức... cộng thêm với khả năng tiếng Anh tốt thì cơ hội chiến thắng càng cao hơn".
Đồng quan điểm của ông Khánh, bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Miss World Vietnam (Hoa hậu Thế giới Việt Nam), Miss Grand Vietnam (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) chỉ ra những điều còn thiếu ở người đẹp khi đi tham gia cuộc thi nhan sắc. Theo bà Dung chia sẻ với Dân Việt, các thí sinh khi thi sắc đẹp cần phải có nền tảng nhất định từ ngoại hình, trình độ, kiến thức, kỹ năng mềm...
"Chính những kiến thức, kỹ năng mềm của thí sinh do được gia đình đào tạo, trau dồi từ nhỏ sẽ góp phần tạo ra cốt cách, thần thái, "giao diện" như một điều kiện cần cho thí sinh đó. Chúng tôi sẽ đào tạo thêm điều kiện đủ theo tiêu chí của từng cuộc thi. Cộng 2 điều này lại sẽ thêm bản lĩnh, sự đam mê và tinh thần quyết chiến nữa để thí sinh có thể tỏa sáng.
Riêng với những đại diện Việt Nam thi đấu tại các cuộc thi nhan sắc tầm cỡ quốc tế thì việc sử dụng thành thạo tiếng Anh là yếu tố quan trọng. Vì khi giao tiếp tiếng Anh tốt, đại diện Việt Nam sẽ hiểu được người khác nói gì, cho người khác biết mình muốn gì và thể hiện được năng lực của mình khi "mang chuông đi đánh xứ người", bà Dung chia sẻ.
Bên cạnh những điều còn thiếu từ bản thân mỗi người đẹp khi "mang chuông đi đánh xứ người, Trưởng Ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, công chúng hiện nay có phần khá "khắt khe" khi theo dõi các cuộc thi nhan sắc.
"Tôi thấy nhiều người có phần nặng nề, đòi hỏi quá nhiều ở một thí sinh thi Hoa hậu là phải hoàn hảo. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên nới lỏng tiêu chí của chính mình, có cái nhìn khách quan với các thí sinh thi Hoa hậu. Bởi vì người đẹp đại diện Việt Nam khi thi đấu tại đấu trường nhan sắc quốc tế đã đối mặt với rất nhiều áp lực, khó khăn. Trong khi có thêm những áp lực từ người hâm mộ nước nhà thì sẽ càng khiến cho đại diện Việt Nam thêm phần căng thẳng hơn rất nhiều", ông Phạm Duy Khánh chia sẻ với Dân Việt.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Phạm Duy Khánh cho hay: "Thí sinh thi Hoa hậu, không phải thi siêu trí tuệ". Trong ảnh ông Khánh và Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu 2021 Lý Kim Thảo. (Ảnh: NVCC)
Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam cũng đưa ra lời khuyên: "Mỗi người nên nhìn nhận cuộc thi nhan sắc theo chiều hướng tích cực. Thí sinh thi Hoa hậu để tôn vinh vẻ đẹp, nhan sắc chứ không đơn thuần là một cuộc thi siêu trí tuệ, đường lên đỉnh Olympia… Dù rằng người đẹp đăng quang vẫn cần hội tụ đủ những yếu tố và đảm bảo tiêu chí cuộc thi như: nhan sắc, trí tuệ, khả năng trình diễn, ứng xử...".