Ngậm thuốc dạng kẹo trị ho, một nam sinh sốc phản vệ nặng

04-04-2024 12:03:06

Sau khi sử dụng thuốc dạng kẹo ngậm để trị ho, nam sinh 14 tuổi bị sốc phản vệ nặng nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Sự kiện:
Gia Lai

Thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này mới đây đã tiếp nhận và cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ mức độ nặng do thuốc ngậm dạng kẹo mua ở nhà thuốc.

Theo đó, bệnh nhân là em K.V.H. (14 tuổi, trú tại thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, Gia Lai). Theo người nhà em H., khoảng hơn 2 tiếng trước khi nhập viện, H. đã ngậm 1 viên thuốc dạng kẹo ngậm mua ở nhà thuốc.

Sau khi sử dụng, thì H. xuất hiện phù mắt, phù môi, sẩn ngứa toàn thân. Người nhà đã cho H. uống thuốc chống dị ứng nhưng tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng hơn nên đã đưa em H. đến Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cấp cứu.

Bệnh nhân H. đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai. Ảnh: BVCC

Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng phù mắt, môi, sẩn ngứa toàn thân giờ thứ 3, tình trạng nuốt vướng. Ngứa nghẹn ở cổ, cảm giác khó thở và đã bắt đầu xuất hiện phù Quincke (phù mạch) một biến chứng nguy hiểm của phản vệ, bệnh nhân có thể sẽ rơi vào trạng thái nguy kịch trong giây lát.

Các bác sĩ đã khẩn trương áp dụng phác đồ cấp cứu phản vệ mà trong đó chủ yếu là Adrenalin, ủ ấm, bù dịch cho người bệnh thở oxy... Sau hơn 12h điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã ổn định sức khỏe.

Theo Tổ chức Dị ứng Thế Giới (WAO), “sốc phản vệ” là “phản ứng dị ứng cấp tính và nguy kịch nhất có nguy cơ gây tử vong, và là tình trạng tăng quá mẫn xảy ra tức thì khi cơ thể tiếp xúc với một dị nguyên ở một người trước đó đã được mẫn cảm, hậu quả gây giải phóng ồ ạt các chất trung gian hóa học gây tác động nhiều tới các cơ quan đích”.

Nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho người bệnh là thuốc. Các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, trong da; uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay thuốc bôi ngoài da đều có thể gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ cho người bệnh, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật, thuốc cản quang, thuốc gây tê, gây mê…

Những người có các triệu chứng thông thường của dị ứng có thể bị sốc phản vệ khi tiếp xúc với dị ứng nguyên, có thể bao gồm: Da ngứa hoặc phát ban, chảy nước mũi, hắt hơi, miệng ngứa, họng, khó nuốt hoặc môi và lưỡi sưng, chân tay sưng, ho, chuột rút hoặc tiêu chảy, nôn mửa nhiều… Một số triệu chứng của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay bao gồm: Khó thở hoặc thở khó chịu, đau ngực, huyết áp thấp, mạch yếu và nhanh, chóng mặt, lẫn lộn.

Sốc phản vệ có thể xảy ra rất sớm hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1–2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó để đảo ngược tình huống. Người bệnh cần được điều trị trong vòng 30 đến 60 phút vì có thể gây tử vong.

Để phòng tránh bị sốc phản vệ do thuốc, cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ khi được kê đơn thuốc vì những người như bạn sẽ rất dễ bị dị ứng khi dùng thuốc. Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi… hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý như bị sốc phản vệ. Sau khi tiêm thuốc xong nên ở lại phòng tiêm khoảng 15-30 phút, không nên ra về ngay đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn hơn với tùy cơ địa từng người. Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, đúng chỉ định.

Ngoài ra, khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc phản vệ do ăn uống những đồ có chất lạ.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //