Mức lương tối thiểu: Cần sử dụng đúng chế tài trong thực thi

16-06-2022 07:00:08

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1/7/2022. Theo đó, lương sẽ tăng từ 180.000 - 260.000 đồng so với lương hiện hành.


Doanh nghiệp cần lưu ý để chi trả lương theo quy định mức lương mới từ ngày 1/7. Ảnh minh họa

Không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chi trả của doanh nghiệp

Nghị định số 38 nêu rõ, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ luật Lao động, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ ban hành quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ.

Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV 3,25 triệu đồng.

Như vậy, mức lương mới đã tăng thêm 6%, tương ứng 180.000 - 260.000 đồng so với hiện hành. Trước đó, mức lương tháng tối thiểu dao động từ 3,07 - 4,42 triệu đồng và được giữ nguyên từ đầu năm 2020 tới nay.

Cùng với đó là quy định mức lương tối thiểu giờ lần lượt là 22.500 đồng với vùng I, vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.

Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ.

Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày, theo sản phẩm hoặc lương khoán thì nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động.

Theo đó, mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng. Hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng. Hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày. Hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.

Theo đánh giá, mức điều chỉnh lương tối thiểu không cao, mục đích bảo đảm bù đắp và có cải thiện hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động. Đa số các doanh nghiệp hiện đều trả cao hơn mức lương tối thiểu này nên về cơ bản không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp có thể bị phạt nếu trả lương thấp so với quy định

Khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với nhóm người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp, phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới…

Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc. Bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, từ ngày 1/7, khi lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp cũng phải tăng lương cho những người lao động đang nhận lương theo lương tối thiểu vùng. Mức lương sau khi tăng không được thấp hơn mức lương quy định tại Nghị định 38. Nếu trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động sẽ bị phạt theo quy định.

Theo đó, phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động. Phạt từ 30 triệu đến 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động. Phạt từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động. Mức lãi suất sẽ được tính theo mức lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm doanh nghiệp bị xử phạt.

Nếu doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 1/7/2022, số tiền hằng tháng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc sẽ tăng thêm so với trước. Trường hợp đã có các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động theo mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng, thì số tiền đóng của doanh nghiệp không cần điều chỉnh tăng.

Với trường hợp gặp khó khăn đột xuất do các lý do khách quan thì doanh nghiệp có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Trong thời gian điều chuyển công việc, người lao động sẽ được trả lương theo công việc mới.

Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trước đó, tại Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đánh giá, việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 với mức 6% đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp. Bên cạnh đó là các điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Bộ này, khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với nhóm người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp. Đồng thời phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới.

Ngọc Trang
Theo Giáo dục & Thời đại //