Mẹ 9X chia sẻ kinh nghiệm đi đẻ tại BV Phụ sản An Thịnh và quyết định bất ngờ lúc nửa đêm
Chuyện đi đẻ ở đâu là vấn đề tốn nhiều thời gian của các mẹ bầu sắp đến thời kỳ "khai hoa, nở nhụy". Vì thế kinh nghiệm đi đẻ tại các bệnh viện của các mẹ đi trước luôn được các bà bầu hết sức quan tâm.
Bà mẹ 9X Lã Hải Anh và con gái thứ 2 bé Trần Ngọc Hân (tên ở nhà là Suri)
Chị Lã Hải Anh (sinh năm 1992, ở Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã từng sinh một bé trai đầu lòng là Tuấn Kiệt cách đây 7 năm tại một bệnh viện công. Dù đã khá lâu nhưng chị vẫn chưa thể quên những vất vả và thất vọng về dịch vụ sinh đẻ khi đó.
Lần này khi sinh con gái thứ 2 Ngọc Hân chị quyết định sẽ chọn sinh tại bệnh viện tư và lựa chọn của chị Hải Anh là bệnh viện Phụ sản An Thịnh.
Chị Hải Anh đã có những chia sẻ rất chi tiết về hành trình sinh bé thứ 2 của mình với Đời sống Plus. Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho nhiều mẹ bầu còn băn khoăn lựa chọn nơi “vượt cạn” cho mình.
Lý do lựa chọn Bệnh viện Phụ sản An Thịnh để sinh nở?
Bệnh viện Phụ sản An Thịnh
Mỗi người có một tiêu chí lựa chọn bệnh viện khác nhau để sinh đẻ. Với mình, ưu tiên là trình độ chuyên môn bác sỹ, dịch vụ tốt và gần nhà thì Bệnh viện Phụ sản An Thịnh đáp ứng tất cả các tiêu chí đó.
Mình từng sinh con đầu lòng ở bệnh viện công, phải nói là rất đông đúc. Nên trước khi sinh bé thứ 2, mình cũng tìm hiểu thông tin về các bệnh viện trên các hội nhóm dành cho mẹ bỉm sữa rồi sau đó được nhiều người thân quen giới thiệu.
Thêm nữa các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Phụ sản An Thịnh đều là bác sỹ giàu kinh nghiệm từng công tác tại các bệnh viện phụ sản lớn tuyến trung ương nên mình khá yên tâm. Nhà ngoại mình cũng ngay Bạch Mai nên việc di chuyển tới bệnh viện rất gần và nhanh chóng.
Lưu ý khi làm hồ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản An Thịnh
Suốt thai kỳ mình đều khám tại Bệnh viện Phụ sản An Thịnh nhưng mình không sử dụng dịch vụ theo dõi thai kỳ trọn gói tại bệnh viện mà khám lần nào trả tiền lần đó. Trước khi sinh tầm khoảng 1 tháng mình mới làm hồ sơ sinh nhưng việc này khá đơn giản.
Mình chỉ việc đến còn sẽ có y tá dẫn mình đi các phòng và hướng dẫn từng thủ tục nên mọi việc diễn ra khá nhanh, không phải chờ đợi lâu. Các mẹ cũng có thể làm hồ sơ sinh sớm hơn từ tuần 28.
Hành trình đi sinh đáng nhớ tại Bệnh viện Phụ sản An Thịnh
Chị Hải Anh trước giờ vào phòng sinh
Mình dự kiến sinh ngày 19 mà qua ngày vẫn không thấy có dấu hiệu gì nên mình và cả gia đình đều rất sốt ruột trong khi nước ối của mình ít và đục. Đến đêm ngày 20 mình quyết định đăng ký mổ đẻ.
12h đêm mình gọi cho bênh viện đăng ký mổ và nhờ sắp xếp xog kíp mổ cho mình vào lúc 8h sáng ngày 21 (vì sinh mổ nên mình đã xin chọn giờ sinh là trước 8h30 sáng). Mọi việc diễn ra vô cùng vội vã và gấp gáp.
Không hiểu sao em bé nhà mình thấy mẹ quyết vậy nên nó đạp tung bụng. 3h sáng mình đã có cơn chuyển dạ. 6h sáng mình vào viện hoàn tất thủ tục thì lúc đó mở được khoảng 4 phân. Nhưng mình vẫn quyết định lên bàn mổ bởi rút kinh nghiệm từ lần sinh trước mình sức yếu, cơ điạ tử cung mở rất lâu, siêu âm thì nước ối đục.
Chịu đau chuyển dạ một lúc thì 8h mình bắt đầu được chuyển vào phòng mổ. Tâm lý lúc đầu sợ lắm nhưng không ngờ bác sĩ tiêm tê tủy sống lại nhẹ bẫng như thế. Mấy phút thôi là toàn thân dưới của mình mất hết cảm giác và thế là ê-kíp mổ bắt đầu. Đến 8h12 em bé chào đời.
Bé Suri khi mới sinh
Nghe tiếng khóc của con mà mình cũng khóc, bác sĩ phải dỗ mãi mình mới nín. Lúc đó hạnh phúc ngập tràn. Quá trình khâu mới lâu chứ mổ đưa em bé ra ngoài thì nhanh như một cơn gió. Khoảnh khắc mình ám ảnh nhất là bác sĩ nhấc hai chân lên để vệ sinh và đóng bỉm
Nhìn hai chân to như cột đình của mình trước mặt mà mình không có chút cảm giác gì . Ngỡ như chân người khác. Lúc ấy mình thấy sợ hãi thực sự. Lúc đó mới hiểu những người bị liệt họ khổ như thế nào.
Mình được chuyển qua phòng hồi sức tới tận đầu giờ chiều, nằm đó mình ngủ được một giấc. Khi chân có cảm giác, rút ống dẫn tiểu ra, bác sĩ mới chuyển mình xuống phòng bệnh. Nằm mãi thêm 2 tiếng, chính xác là gần 4h chiều mình mới được gặp con gái. Mình mừng phát khóc luôn.
Cô y tá lại dọa khóc nhiều băng huyết nên mình nín luôn. Nằm một lúc thì mình đói cồn cào. Đêm hôm trước mình đã đói sẵn rồi mà bác sĩ dặn không được ăn để sáng còn mổ vì có đồ ăn trong dạ dày khi mổ rất nguy hiểm.
Y tá bảo khi nào xì hơi được thì mới được ăn. Tới 6h chiều mình được ăn 1 bát cháo thịt. Ôi lúc đó mình đói thèm ăn ti tỉ thứ. Cảm giác muốn ăn cả thế giới.
Sau sinh bé sẽ được đeo thẻ tên có mã số và tên của mẹ
Nằm viện sang ngày thứ 2 em mới bắt đầu thấy đau thực sự. Mũi tiêm bắp đùi làm co dạ con vừa buốt vừa đau.
Nằm viện 4 ngày thì tiêm liên tục đủ các loại mũi tiêm. 2 ngày đầu có hỗ trợ viên giảm đau đút hậu môn. Tới hôm thứ 3 thì bác sĩ khuyên cố chịu đựng để sữa về nhanh và bớt ảnh hưởng. Lạm dụng giảm đau nhiều không tốt. Nên mình nghiến răng chịu đựng.
Nằm đau, ngồi đau, đứng đau, đi đau, nhúc nhích tí cũng đau kinh khủng. Đau triền miên mà đi đứng cũng lom khom như bà cụ. Khom lưng mãi tới khi ra viện.
Về đồ đạc chuẩn bị khi đi sinh thì cũng không cần quá nhiều vì các thứ cơ bản ở viện có hết. Bỉm của mẹ, bỉm cho con, băng vệ sinh viện cung cấp hết. Sau sinh nếu mẹ chưa có sữa ngay, bé sẽ được cho uống sữa của viện, còn mẹ nào cẩn thận thì có thể tự mang sữa nhà mình theo.
Đồ mang đi của mình chỉ một túi gọn nhẹ, chủ yếu là quần áo của con, khi sinh xong con được mặc quần áo của viện nhưng mình thấy không mềm bằng quần áo tự chuẩn bị nên bé mặc đồ của mình vẫn thích hơn. Quần áo của mẹ thì chỉ một bộ lúc ra viện thôi vì suốt thời gian ở viện mẹ sẽ mặc đồ của sản phụ được viện cấp cho.
Ông ngoại được bế bé Suri sau khi sinh
Chi phí sinh nở tại Bệnh viện Phụ sản An Thịnh
Chi phí cho sản phụ mổ đẻ lần đầu như mình là 20.500.000 đồng. Chọn ngày giờ đẻ sẽ cộng thêm 2.500.000 đồng. Mình không chọn bác sĩ mổ, nếu chọn sẽ mất thêm chi phí này.
Mình nằm phòng 650.000 đồng/ngày. Phòng của mình là 1 giường của sản phụ và thêm 1 giường xếp cho người nhà ngủ lại. Phòng có tắm nước nóng 24/24 trong phòng luôn. Nếu muốn nâng cấp phòng thì các mẹ có thể chọn phòng 950.000 đồng hoặc phòng hơn 1.000.000 đồng.
Chồng chị Hải Anh ở lại viện để phụ giúp chị chăm sóc em bé mới sinh
Mình được ăn 3 bữa/ngày. Theo mình thì đồ ăn khá ngon và vừa miệng. Tuy nhiên có một số món chưa phù hợp với bà đẻ như chả lá lốt, trứng hay thịt gà vì mình sinh mổ.
Các bác sĩ thường bảo ăn đầy đủ không phải kiêng gì nhưng mình vẫn cứ kiêng cẩn thận theo dân gian nên mình ăn đồ của gia đình nấu là cơm thịt nghệ mang tới còn mẹ mình thì ăn đồ của bệnh viện. Tổng chi phí của mình là 23.000.000 đồng cho 4 ngày nằm viện.
Nhận xét của chị về lần sinh nở này tại bệnh viện?
Điều mà mình thích nhất là giờ giấc thăm nom người nhà tại viện rất thoải mái. Không giới hạn người vào thăm. Mình sinh xong lúc nào cũng muốn có người thân bên cạnh.
Y tá, bác sĩ vào tiêm khám thấy phòng đông người thăm cũng rất nhẹ nhàng lịch sự. Ngày nào cũng có nhân viên quét dọn lau phòng thay ga sạch sẽ. Tắm cho bé cũng ngay tại phòng nên mẹ có thể quan sát các cô tắm cho con mình. Điều hòa tivi tủ lạnh đủ cả nên người nhà vào chăm cũng rất tiện lợi.
Đặc biệt bệnh viện không quá đông, rất yên tĩnh nên sản phụ và người nhà tâm lý đều khá thoải mái.
Phải nói gần như mọi thứ ở đây mình đều rất hài lòng. Chỉ có điểm trừ duy nhất như mình đã nói ở trên là bệnh viện nên chú ý hơn nữa đến chế độ dinh dưỡng cho sản phụ và lựa chọn món ăn phù hợp hơn thôi.
Bữa cơm dành cho sản phụ của chị Hải Anh
Việc đầu tiên chị nghĩ đến sau khi sinh em bé ở viện về?
Từ lúc ở viện bé nhà mình đã ngủ ngày, thức đêm. Vì thế mình và người ở lại trông mình ở viện là ông xã đều phải thức đêm để trông bé rất mệt mỏi.
Vì thế việc đầu tiên mình nghĩ đén là làm sao luyện cho con ngủ đêm giống người lớn cho bố mẹ đỡ vất vả. Rất may là sau khoảng 1 tháng "cày đêm", bé Suri nhà mình đã được rèn vào nếp ngủ như người lớn nên bố mẹ đỡ vất vả đi nhiều.
Cảm ơn chị Hải Anh về những chia sẻ trên! Chúc chị và bé Suri cùng gia đình thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc!
Xem thêm Clip: Bí kíp kích sữa: Mẹ ít sữa đến mấy ăn như này sữa cũng phun ướt áo con bú không kịp