Luật sư: Cần làm rõ thân thế, lai lịch của nữ chủ tiệm giày tát nữ sinh
Theo luật sư, những lời lộng ngôn, coi thường cán bộ lãnh đạo vì thế trong quá trình xác minh cơ quan chức năng nên làm rõ thêm về thân thế, lai lịch và mối quan hệ của nữ chủ tiệm giày.
Chủ shop giày nghi bị tố quỵt tiền rồi đánh và tát nữ sinh. Hình ảnh được cắt từ clip.
Như đã đưa tin trước đó, trên mạng xã hội vừa xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một người phụ nữ được cho là chủ một shop bán giầy dép có hành động tát và mắng chửi một cô gái trẻ.
Cụ thể khi nữ sinh viên là nhân viên cũ tới đòi tiền lương thì bị bà chủ chửi bới và có hành động tát vào mặt, cùng với đó người chủ quán liên tục có những lời lẽ đe dọa gọi xã hội đen đến đánh bạn sinh viên và buông lời thách thức không ai dám làm gì mình bởi có quan hệ rộng.
“Ở đất Hà Nội này chưa ai dám đứng ngang hàng nói chuyện với tao, mày biết gia đình tao là ai không?”, "Thứ trưởng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh Hà Nội cũng không ngang cơ nói chuyện với tao", bà chủ này mạnh dạn tuyên bố.
Được biết cô gái trẻ bị tát trong đoạn clip hiện là sinh viên đang học trên địa bàn Hà Nội. Còn người phụ nữ có hành động tát vào mặt cô gái trẻ là chủ một shop bán giầy dép ở trên đường Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngay sau khi clip xuất hiện đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đa số đều tỏ ra phẫn nộ trước hành động và lời nói của chủ shop giày.
Liên quan đến clip này, theo thông tin trên Infonet, Công an phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) đã nắm được thông tin và đã cử cán bộ xuống địa bàn để xác minh clip nữ chủ shop giày nghi bị tố quỵt tiền và đánh nữ sinh. Đại diện công an phường Thanh Xuân Bắc cũng để nghị ai là bị hại thì đến trụ sở trình báo để đơn vị có cơ sở làm việc.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp. Ảnh: Trí thức trẻ.
Trong khi đó trao đổi với báo Trí thức trẻ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, việc chủ hiệu giày đánh chửi nhằm quỵt lương của nữ sinh không chỉ là hành vi vô lương tâm, thiếu đạo đức mà còn vi phạm pháp luật.
Theo luật sư, việc chửi bới, đe dọa, tát vào mặt nữ sinh đã xâm hại đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm người khác. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh làm rõ và xử lý người phụ nữ trong clip.
Nếu kết quả xác minh của công an cho thấy hành vi đánh chửi nữ sinh diễn ra liên tục, gây tổn thương nặng nề về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân thì có thể xử lý hình sự nữ chủ cửa hàng về tội cố ý gây thương tích, làm nhục người khác hoặc tội hành hạ người khác.
Trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự thì cơ quan công an có thể áp dụng quy định tại điểm c, khoản 3, điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội để phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng - luật sư nêu quan điểm.
Đối với hành vi "lộng ngôn" coi thường cơ quan chức năng, thách thức cán bộ lãnh đạo, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, cũng cần phải xem xét để giáo dục, bởi vì những người tham lam, ỷ vào mối quan hệ, coi nặng tiền bạc, sẵn sàng xúc phạm người khác thì rất dễ vi phạm pháp luật.
"Lúc đôi co, người phụ nữ lớn tiếng nói ‘Thứ trưởng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh Hà Nội cũng không ngang cơ nói chuyện với tao', theo tôi nghĩ quá trình xác minh cơ quan chức năng nên làm rõ thêm về thân thế, lai lịch và mối quan hệ của người này xem có phải con ‘ông to’ hoặc ‘vợ của quan chức lớn’. Còn nếu chỉ ‘nổ’ để dọa nữ sinh thì chứng tỏ trình độ văn hóa cô ta quá thấp, cần có hình thức giáo dục để trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội", luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm với Trí thức trẻ.
Shop giày CANAVARO - nơi xảy ra sự việc hiện đã đóng cửa. Ảnh: Hoàng An.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết trong quá trình xác minh, cơ quan công an cần làm rõ về hoạt động kinh doanh của cửa hàng có hợp pháp hay không, có nộp thuế theo quy định, hàng hóa buôn bán có hoá đơn, chứng từ hợp lệ và có ký hợp đồng lao động không.
Nếu có căn cứ xác định, chủ cửa hàng vi phạm quy định Bộ luật lao động về việc trả lương cho người lao động, thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, điều 13, Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, sẽ phạt tiền người sử dụng lao động trả lương không đúng thời hạn, mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là "buộc phải trả đủ số tiền lương cho người lao động theo quy định".