Lãnh đạo ở Kon Tum phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bạch hầu, sốt xuất huyết lan rộng
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để dịch bệnh lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân dương tính bạch hầu. Ảnh: Báo Tin tức
Ngày 1/7, Kon Tum vừa ký văn công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu.
Theo Tiền phong, Công văn này yêu cầu UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Kon Tum cần huy động cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu.
Theo đó, để làm được điều này cần kiện toàn các đội xung kích, tổ chức và duy trì chiến dịch vệ sinh môi trường; diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn theo hướng của ngành Y tế; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân, tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường nhà cửa, trường học; tuyên truyền, vận động người dân tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vaccine trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vacine phòng bệnh bạch hầu nói riêng…
Đặc biệt, công văn trên nêu rõ, chủ tịch UBND các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để dịch bệnh lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Cùng với đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị khẩn trưởng triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu trên địa bàn; phải nắm chắc các ổ dịch hiện có và mới phát sinh, sớm phát hiện các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có tới 9 ca nhiễm bạch hầu. Diễn biến dịch bạch hầu ở tỉnh này ngày càng phức tạp, trong khi đó, phóng viên các báo đài đều phản ánh khi liên hệ làm việc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum rất khó khăn.
Không chỉ Kon Tum, bạch hầu đang có diễn biến phức tạp tại Đắk Nông và đã gây chết người, số bệnh nhân tăng cao.
Trao đổi về tình hình bệnh bạch hầu đang có nguy cơ bùng phát trở lại, TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết trên báo Tin tức: "Tính đến hiện tại, trên cả nước đã ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, chủ yếu ở Đắk Nông, một số ca lẻ tẻ ở Kon Tum (1 trường hợp), ở TP. Hồ Chí Minh (1 trường hợp). Dự kiến trong năm nay, chắc chắn sẽ còn ghi nhận các ca bệnh bạch hầu lẻ tẻ ở các địa phương chứ không chỉ dừng lại ở con số mắc hiện nay. Hầu hết những người mắc bệnh là trẻ trên 10 tuổi và người lớn".
Thời gian gần đây bệnh bạch có dấu hiệu tăng lên; riêng trong năm 2019, Việt Nam cũng đã ghi nhận 50 trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở 7 tỉnh, thành.
"Kết quả tiêm chủng của các trường hợp mắc bệnh bạch hầu cho thấy, hầu hết các ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vaccine phòng bệnh; trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi những vẫn mắc bệnh. Lý do là các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm xuống. Năm 2019 tỷ lệ tiêm chủng vaccine 5 trong 1 (có chứa thành phần bạch hầu) bị ảnh hưởng và nhóm những người ở độ tuổi lớn có thể chưa tiêm vắc xin trước đây hoặc đã tiêm nhưng quá lâu nên khả năng miễn dịch đã giảm xuống. Vì vậy tỷ lệ mắc bệnh ở những người lớn đang có dấu hiệu tăng lên.", TS. Đặng Thị Thanh Huyền lý giải.