Kon Tum phát hiện 5 ổ dịch bạch hầu với 6 trường hợp mắc bệnh
Tổng cộng trong 5 ổ dịch bạch hầu được ngành y tế tỉnh Kon Tum phát hiện từ đầu năm đến nay có 6 trường hợp mắc bệnh.
Kon Tum phát hiện 5 ổ dịch bạch hầu với 6 trường hợp mắc bệnh. Ảnh: VOV
Tại tỉnh Kon Tum từ đầu năm đến nay xuất hiện 5 ổ dịch bạch hầu. Trước tình hình này, ngành y tế địa phương đã khống chế thành công các ổ dịch.
Cụ thể 5 ổ dịch bạch hầu xuất hiện tại thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà và huyện Sa Thầy mỗi địa phương một ổ dịch. Riêng huyện Đăk Tô có hai ổ dịch, trong đó ổ dịch tại thôn Đăk Manh 2, xã Đăk Rơ Nga được phát hiện gần đây nhất vào ngày 8/ 6 với 1 người bị mắc bệnh.
Tổng cộng trong 5 ổ dịch bạch hầu được ngành y tế tỉnh Kon Tum phát hiện từ đầu năm đến nay có 6 trường hợp mắc bệnh. Các trường hợp mắc bệnh có triệu chứng sốt, viêm họng, viêm Amydal, họng nhiều giả mạc… đều được điều trị thành công hoàn toàn bình phục và đã được xuất viện.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan đối với các ổ dịch, ngành y tế địa phương tiến hành điều tra, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để điều trị dự phòng và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.
Tại vùng dịch triển khai các biện pháp như hạn chế đi lại; cho uống kháng sinh Erythromycine để điều trị dự phòng; tổ chức vệ sinh và xử lý môi trường bằng Chloramin B; truyền thông theo nhóm về tác dụng, lợi ích của việc tiêm vacine phòng bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu.
Đồng thời, tổ chức rà soát, tiêm vét vacine DPT-VGB-Hib cho trẻ em từ 2 đến 18 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa đủ mũi và tiêm nhắc vacine DPT4 cho các đối tượng 18 đến 48 tháng tuổi chưa được tiêm.
Như vậy, tính đến hiện tại đã có 3 tỉnh thành xuất hiện bệnh bạch hầu là: Đắk Nông, Kon Tum, TP.HCM. Tại Đắk Nông, từ đầu tháng 6 tới nay, tại huyện Krông Nô và Đắk G’long đã có 12 người mắc bệnh bạch hầu. Ngay sau đó, ngành y tế đã tổ chức cách ly, điều trị dự phòng cho hơn 1.200 người tại 3 ổ dịch. Những người này không được rời khỏi địa phương, mọi giao dịch thực hiện tại chốt cách ly. Các nhân viên y tế đã phun hóa chất khử trùng tại các khu dân cư, khu vực công cộng nơi xuất hiện ổ dịch.
Tại TP.HCM, một nam bệnh nhân 20 tuổi (học viên của một trường quân sự trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) bị mắc bệnh bạch hầu. Ngay sau đó, có 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt, học tập (tất cả đều ở ngoài bệnh viện) được cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng. Đồng thời, Bệnh viện Quân y 175 cũng triển khai phương án cách ly, khử khuẩn toàn bộ các khu vực bệnh nhân đã đi qua.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh.