Kịp thời giải cứu nam sinh lớp 9 có ý định nhảy lầu tự tử

01-01-2023 13:38:37

Lực lượng chức năng quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã kịp thời giải cứu một nam sinh học lớp 9 sống tại phường Đông Ngạc có ý định tự tử.


Hình ảnh vị trí nguy hiểm ngoài ban công và toà chung cư, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh Báo Sức khỏe và đời sống.

Ngày 1/1/2023, theo thông tin từ Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận đã phối hợp với Công an phường Đông Ngạc, kịp thời khuyên ngăn, giải cứu một nam sinh học lớp 9 có ý định tự tử trên địa bàn.

Theo đó, vào khoảng 21h40 ngày 31/12/2022, khi đang ứng trực phục vụ người dân đi đón giao thừa Tết Dương lịch, Công an Quận Bắc Từ Liêm nhận được tin báo có người đứng tại vị trí nguy hiểm ngoài ban công trên tầng cao tại đơn nguyên E2 Chung cư Ecohome1, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.

Ngay lập tức, Công an Quận đã huy động 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cùng Công an phường Đông Ngạc khẩn trương có mặt tại hiện trường. Tại hiện trường, Cháu NPH (sinh năm 2006) lúc này đang đứng tại ban công và có ý định nhảy xuống do mâu thuẫn và áp lực trong học tập với bố mẹ. 

Công an phường cùng với sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã tiếp cận và khuyên ngăn, thuyết phục cháu. Cùng thời điểm đó, phao cứu hộ cũng được thiết lập ở dưới sảnh chung cư đề phòng trường hợp nam sinh làm điều dại dột.

Sau khoảng 15 phút, nhờ sự thuyết phục của các chiến sĩ công an và gia đình, tâm lý cháu dần ổn định và tự giác xuống. Lực lượng chức năng đã bàn giao cháu cho gia đình đảm bảo an toàn.

Về phía gia đình, sau vụ việc cũng cam kết với lực lượng chức năng phối hợp cùng nhà trường thay đổi phương pháp dạy dỗ và hướng nghiệp cho cháu trong tương lai.

Qua các vụ việc như trên, theo Báo Tuổi Trẻ thủ đô, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, lứa tuổi học sinh là giai đoạn rất dễ gặp phải những rối loạn tâm lý - tâm thần. Ở lứa tuổi này, các em bắt đầu xuất hiện những khủng hoảng. 

Dù chất chứa nhiều tâm tư, nhu cầu, mong muốn được giãi bày, nhưng các em lại chưa biết cách thổ lộ phù hợp. Ngược lại, cha mẹ, thầy cô và bạn bè đôi lúc chưa có nhiều cơ hội, hoặc chưa đủ sức để nắm bắt kịp thời những thay đổi về mặt tâm lý diễn ra bên trong học sinh để có sự hỗ trợ kịp thời.

Để hạn chế tối đa những nguy cơ đẩy trẻ vào trạng thái khủng hoảng tâm lý dẫn tới trầm cảm, rối loạn tâm thần… Lúc này cần có sự quan tâm của gia đình, thầy cô, bạn bè để giúp các em vượt qua mọi khó khăn trở ngại.

Cha mẹ, thầy cô không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào thành tích học tập của trẻ để tránh gây áp lực, căng thẳng. Cần động viên, chia sẻ và sắp xếp việc học tập vui chơi một cách hợp lý, khoa học để trẻ có điều kiện phát triển cân bằng cả thể lực, trí lực trong tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ, tự giác.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //