Khởi công Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa
Ngày 16/10/2019, tại Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn sinh hoạt Củ Chi trong Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Thành phố, Công ty Cổ phần - Ðầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa.
Nhà máy đốt rác phát hiện giai đoạn 1.
Tại buổi lễ khởi công, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao quyết tâm của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, đồng thời mong muốn Thành phố sẽ có thêm nhiều nhà máy đốt rác phát điện để TP đạt mục tiêu cuối năm 2020 có trên 50% khối lượng rác sinh hoạt phát sinh tại TP được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.
”Tôi đánh giá cao quyết tâm của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, chúc cho Tâm Sinh Nghĩa ngày càng phát triển, chúc lãnh đạo TP sẽ dự những cuộc khởi công tiếp theo để đạt chỉ tiêu cuối năm 2020 có đủ công suất chế biến 50% rác của TP thành điện”, Bí Thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Dự án đốt rác phát điện (ĐRPĐ) Tâm Sinh Nghĩa sử dụng công nghệ đốt rác phát điện Martin Grade – CHLB Đức, đang được sử dụng tại khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Công nghệ này có nhiều ưu điểm, khép kín từ khâu tiếp nhận đến khâu xả thải cuối cùng, không phát tán mùi hôi và đồng thời có rất nhiều đặc điểm phù hợp với điều kiện rác chưa qua phân loại đầu nguồn tại Việt Nam. Công nghệ ĐRPĐ sử dụng trong dự án đã được Hội đồng khoa học thẩm định do Sở KH&CN chủ trì thẩm định và hội đồng kết luận công nghệ đạt yêu cầu của Thành phố HCM đề ra.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tới dự lễ khởi công.
Cũng tại lễ khởi công, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở TN&MT, các Sở ngành và đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư để nhà máy đảm bảo tiến độ xây dựng, đạt chất lượng và sớm đi vào vận hành. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đang vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn hiện hữu còn lại khẩn trương hoàn, tất quá trình chuyển đổi công nghệ đốt phát điện theo chủ trương của TP.
Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa cho biết, công trình được xây dựng trên diện tích đất 8ha thuộc khuôn viên nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt Củ Chi hiện hữu của Công ty có diện tích 20ha. Trong quá trình đầu tư xây dựng dự án ĐRPĐ, nhà máy hiện hữu của Công ty hàng ngày vẫn hoạt động tiếp nhận xử lý rác bình thường.
Sau khi nhà máy ĐRPĐ – giai đoạn 1, công suất 2.000 tấn/ngày đi vào hoạt động ổn định nếu được UBND Tp Hồ Chí Minh cho phép, Công ty Tâm Sinh Nghĩa sẽ tiến hành thực hiện dự án ĐRPĐ – giai đoạn 02 với công suất 3.000 tấn rác/ngày cùng trên diện tích nhà máy hiện hữu 20ha này (phần diện tích còn lại khoảng 12 ha), nâng tổng công suất đốt rác phát điện toàn nhà máy trên tổng diện tích 20 ha lên 5.000 tấn/ngày.
Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Củ Chi sau khi hoàn thành sẽ trở thành một trong những công trình kiểu mẫu của Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực xử lý rác sinh hoạt – tái tạo năng lượng. Với phương châm nhà máy xử lý rác là công viên, dự án được triển khai và đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi quan niệm của người dân về hình khu xử lý rác với kiến trúc và cảnh quan xanh, sạch đẹp, không ô nhiễm, không mùi hôi, không côn trùng.
Lãnh đạo TP HCM thăm quan mô hình nhà máy.
“Bằng dự án này, Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa muốn đồng hành cùng Lãnh đạo Thành phố, Lãnh đạo các sở ban ngành, cán bộ và nhân dân TP HCM quyết tâm đầu tư đổi mới công nghệ xử lý rác, thu hồi năng lượng từ rác, tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm thiểu quỹ đất dành cho xử lý rác của Thành phố, hạn chế phát thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hiện thực hóa các tiêu chí phát triển kinh tế bền vững đó là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường góp phần xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành Thành phố thông minh hiện đại”, ông Ngô Xuân Tiệc chia sẻ.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, Sở sẽ đồng hành cũng công ty Tâm Sinh Nghĩa trong nỗ lực xây dựng nhà máy đốt rác phát điện có hiệu suất cao, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và đặc biệt là có cảnh quan đẹp mắt, thiết kế thân thiện để người dân, sinh viên, học sinh có thể tham quan, học tập như mô hình nhà máy ở các quốc gia tiên tiến.