Hoàng đế ngày xưa làm gì vào dịp Tết?
Ngay từ khi đất nước vừa mới giành được độc lập, các triều đại phong kiến đầu tiên của nước ta đã rất coi trọng dịp Tết với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, Tết của vua chúa ngày xưa thực tế không hề diễn ra xa xỉ, tốn kém, trái lại còn có phần “giản đơn”, với chủ yếu là các hoạt động mang ý nghĩa tâm linh, thiết thực. Hầu như không có chuyện ăn chơi quá đà.
Những lễ lượt có ý nghĩa
Hầu hết tư liệu lịch sử xưa để lại đều chỉ viết về tục “vui xuân, đón Tết” của các hoàng đế từ thời nhà Tiền Lê trở về sau. Trước đó, hoạt động nghênh xuân diễn ra như thế nào không thấy nhắc tới.
Dưới thời vua Lê Hoàn của nhà Tiền Lê, thay vì vui chơi, nghỉ dưỡng, nhà vua lại dành khoảng thời gian này để làm những việc có ích cho dân chúng. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, vào dịp tết năm Đinh Hợi (987), vua “cày ruộng tịch điền ở núi Đọi và núi Bàn Hải”.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lễ cày ruộng tịch điền được diễn ra. Nó trở thành hoạt động rất có ý nghĩa với một quốc gia lúa nước như Việt Nam, được duy trì đến hôm nay.
Bước sang thời Lý, Trần, vào dịp Tết, các bậc thiên tử thường tranh thủ thời gian đầu xuân năm mới để đổi niên hiệu, khẳng định thời trị vì của mình, và cũng mong muốn đất nước được thịnh trị.
Năm Tân Mùi (1211), vua Lý Huệ Tông đổi niên hiệu là Kiến Gia, vua Trần Thánh Tông chọn ngày mùng một Tết năm 1273 để đổi niên hiệu là Bảo Phù. Mùng một Tết năm Giáp Tý (1324), vua Trần Minh Tông đổi niên hiệu là Khai Thái. Vua Lê Thái Tông, đúng mùng một Tết năm Canh Thân (1440), đổi niên hiệu là Đại Bảo...
Ngoài ra, có vua cũng nhân dịp này mà phong vương tước, tổ chức thi cử, ra luật lệnh, sai người đi sứ, thậm chí là xuất quân tiễu trừ giặc giã. Sau chiến thắng quân Mông Cổ (1258), vào dịp Tết, vua Trần Thái Tông tổ chức thiết triều, cho trăm quan vào chầu, vỗ về dân chúng để yên nghiệp nước, định công ban thưởng cho các tướng lĩnh có công chống giặc ngoại xâm.
Theo sách Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, dưới thời hậu Lê, vào dịp Tết, vua cùng bá quan văn võ đến yết Thái miếu để ghi nhớ công ơn giành lại đất nước, sáng lập triều đại của tổ tông, gặp gỡ sứ thần ngoại giao. Xong việc, vua về cung mặc áo trắng coi chầu, cho dàn nhạc nổi lên điệu Bình Ngô phá trận. Các quan đều mặc cát phục dâng biểu mừng vua, chúc muôn họ no đủ, đất nước thái bình.
Sách Lễ tết ăn chơi trong cung Nguyễn cho hay dịp Tết, vua cho tổ chức lễ Ban sóc - phân phát lịch của nhà vua cho bá quan và hoàng thân quốc thích. Tiếp đó là lễ Phất thức - quét dọn, lau chùi. Trong lễ này, vua cho người lau chùi, dọn dẹp các ấn ngọc, kim sách trong điện Cần Chánh, nơi đựng tráp báu của quốc gia.
Nghi lễ đón Tết trong cung Nguyễn. Ảnh: Nhà nghiên cứu Võ Tòng Xuân
Ngày 30 Tết, Khâm Thiên Giám chọn giờ lành để bộ Lễ dựng cây nêu. Cây nêu của vua được dựng lên thì các dinh thự, chùa chiền mới được dựng lên theo.
Cùng với việc lau chùi, dọn dẹp đón Tết, những việc làm ý nghĩa như tế đàn Nam Giao, cúng tế các bậc thân vương, các đại thần có công với vương triều đã qua đời…, chúc thọ vua, ban thưởng cho hoàng thân quốc thích, cày tịch điền…
Những trò chơi dân gian đơn giản
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một đấng quân vương, vua chúa mới bắt đầu dành ít thời gian vui chơi. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, dưới thời nhà Nguyễn, vào mỗi dịp Tết, vua quan triều Nguyễn thường có 3 hoạt động vui chơi chính là: Trò chơi Đầu hồ, họa ngự thi, trò chơi đánh thơ.
Đầu hồ có xuất phát từ Trung Quốc, là trò chơi có nguồn gốc lâu đời, tồn tại dài nhất trong lịch sử Trung Hoa. Trong tiếng Hán, “đầu” nghĩa là là ném vào, còn “hồ” là cái bình. “Đầu hồ” phần lớn chỉ phổ biến ở tầng lớp vua,
chúa, quan lại và giới thượng lưu xưa.
Chơi được này cần chuẩn bị một bó gồm 12 thẻ tre (tượng trưng cho 12 tháng trong năm), một chiếc bình không đáy có dáng như nậm đựng rượu. Cuối cùng, ở giữa chiếc bình và vị trí đứng, người ta đặt một miếng gỗ rộng 25 cm, dài 40 cm, cao khoảng 5 cm, gọi là con ngựa hay con cóc. Khi chơi, vua chúa và quan lại đứng ở vạch cách bình khoảng 2,5 m.
Sau đó, vua ném thẻ gỗ về phía trước, sao cho thẻ gỗ đập vào con cóc rồi nảy lên rơi vào miệng bình. Thẻ rơi trúng bình sẽ gõ vào trống nhỏ đặt dưới đế, phát ra tiếng “binh! binh!” báo hiệu thắng lợi.
Trò chơi tiếp theo cũng được các vị vua ưa chuộng là “họa ngự thi”. Các vua quan triều Nguyễn rất thích văn, nhất là vua Tự Đức.
Hàng năm, vua chọn 4 vị quan trong triều để chơi trò này. Sau lễ giao thừa, các quan phải đứng đợi trước cửa nhà mình, khi nghe có tiếng ngựa hí, kỵ mã do vua phái tới thì lập tức mặc áo mão để tiếp lệnh vua. Kỵ mã dâng tráp lên cho quan, trong đó có một bài ngự thi (thơ của vua). Quan nhận thơ của vua xong phải ngay lập tức vào vẽ lại bằng giấy hoa tiên.
Viên kỵ mã giao xong thơ cho người đầu tiên thì tiếp tục phi ngựa đi giao cho ba vị quan còn lại. Giao thơ cho quan cuối cùng xong, kỵ mã quay lại nhận bài họa của quan đầu tiên và cứ thế cho tới khi nhận hết 4 bức của 4 quan.
Vua sẽ đợi trong cung để nhận 4 bài thi này, tự mình kiểm duyệt lại. Sau đó, tới ngày đầu năm mới, vua cho cận thần công bố trước văn võ bá quan. Lúc ấy, đích thân vua sẽ làm giám khảo, chấm xem bài phụng hoa nào hay nhất và ban thưởng.
Ngoài họa ngự thi là trò chơi đánh thơ, đây là lối chơi chữ rất tao nhã của khách văn chương vùng kinh thành xưa. Trong cuộc thi này người thua
không chỉ mất tiền mà còn mang tiếng là kém trí tuệ.
Theo sách Lễ Tết ăn chơi trong cung Nguyễn, trong 3 trò chơi trên, đến nay chỉ còn lại họa thi thơ vẫn tồn tại. Trò chơi Đầu hồ đã biến mất hoàn toàn.