Hạnh phúc bất ngờ đến với người phụ nữ hiếm muộn đã 3 lần mất con

01-04-2019 19:01:00

Cả 3 lần mang thai chị T đều tràn đầy hy vọng thế nhưng cả 3 lần con đều rời bỏ chị khi thai chưa được 30 tuần. Nỗi đau liên tiếp khiến chị tưởng như ngã quỵ.


Bệnh nhân đến khám tại khoa khoa Hỗ Trợ Sinh Sản & Nam Học - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Hình minh họa.

Vợ chồng chị Khuất Thị T. (Phú Thọ) là công nhân trong khu công nghiệp, yêu thương và cùng nhau xây dựng gia đình. Dù gia cảnh khó khăn, nhưng anh chị vẫn luôn mong mỏi có một tổ ấm đầy đủ vẹn tròn như bao gia đình khác. Tuy nhiên, hết lần này tới lần khác số phận cứ thử thách hai vợ chồng và dường như niềm hy vọng được đón đứa con yêu thương chào đời ngày càng xa tầm với. 

Năm 2015, vợ chồng chị vui mừng khi chị T có thai lần đầu tiên. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, em bé của anh chị ngừng phát triển ở 29 tuần thai kỳ do phù thai. 

Lặng lẽ nén nỗi đau mất con, anh chị cùng nhau cố gắng với suy nghĩ mọi thứ sẽ tốt đẹp. Năm 2016, chị T mang thai lần thứ 2, những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười nhưng dường như số phận vẫn không buông tha vợ chồng chị. Mặc dù đã khám rất kỹ tại bệnh viện địa phương và chăm sóc rất cẩn thận nhưng em bé này cũng không vượt qua tuần thai thứ 27.

Nỗi đau cũ chưa nguôi, nỗi đau mới lại đến, khiến anh chị gần như suy sụp. Rồi chị lại mang thai em bé thứ 3, Lo lắng, hoang mang nhưng anh chị vẫn không ngừng hy vọng. Ngỡ rằng mọi thử thách đã qua, anh chị cùng nhau chuẩn bị đón thiên thần nhỏ chào đời. Nhưng một lần nữa, nỗi đau lại ập đến, em bé thứ 3 của anh chị dừng lại ở tuần thai thứ 29 do chẩn đoán phù thai. 

Được các bác sỹ gợi ý anh chị đi làm xét nghiệm tìm nguyên nhân và anh chị gần như ngã quỵ khi biết cả hai vợ chồng đều mang gen bệnh Thalassemia. Giấc mơ về một gia đình nhỏ ấm áp với những tiếng cười trẻ thơ giòn tan giờ đây đã quá xa tầm tay anh chị. Ba đứa con không kịp chào đời do bệnh Thalassemia đã rút hết cả hi vọng cũng như sức lực của hai vợ chồng. Mỗi lần có ai đó vô tình hỏi, chị lại quay mặt bước đi thật nhanh để giấu đi những giọt nước mắt đang chực lăn trên gò má.

Mặc dù được nhiều người mách bảo những phương pháp can thiệp có thể hỗ trợ được, anh chị đều lắc đầu cho đến năm 2018, được biết Khoa Hỗ trợ sinh sản và nam học bệnh viện phụ sản Hà Nội tổ chức chương trình làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) và sinh thiết phôi sàng lọc bệnh Thalassemia miễn phí cho các cặp vợ chồng mang gen Thalassemia, anh chị khăn gói lên trung tâm mang theo niềm hi vọng mong manh về một gia đình trọn vẹn.

May mắn thay, anh chị là một trong những cặp đôi được Khoa lựa chọn để hỗ trợ toàn bộ kinh phí làm thụ tinh ống nghiệm và sàng lọc phôi. Ngày chuyển phôi, được bác sỹ thông báo về số phôi không mang gen bệnh, ánh sáng hy vọng một lần nữa lại sáng lên trong mắt anh chị. Hai tuần sau chuyển phôi, anh chị mừng rỡ khi thấy mầm sống bé nhỏ đang dần lớn lên trong cơ thể chị.

Khám lại ở tuổi thai 12 tuần, các chỉ số ghi nhận sự sống của thai nhi nằm ở giới hạn cho phép 15 tuần trôi qua, mặc dù con đường phía trước còn dài, và có thể sẽ còn nhiều thử thách đang chờ đón gia đình nhỏ bé của anh chị, nhưng giờ đây, anh chị dần tin vào phép màu và những điều kỳ diệu hiện hữu tại khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Trong ánh mắt của người mẹ kiên cường ấy ngập tràn những tia sáng của niềm tin và hy vọng về một mái ấm đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, bởi anh chị vẫn luôn tâm niệm rằng: “Khi bạn thực tâm mong muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn hoàn thành tâm nguyện ấy".


Xem thêm clip: Chà xát các ngón tay theo cách này, gan thận và dạ dày tự khỏe không tốn 1 xu.

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //