Hà Tĩnh: Bé trai 4 tuổi bị chó becgie nhà cắn dã man

18-04-2019 15:35:15

Bé trai 4 tuổi, được bố mẹ đưa tới bệnh viện trong tình trạng có nhiều vết thương chảy máu ở vùng đầu và mặt do bị chó cắn.


Vết thương trên đầu bé trai 4 tuổi do bị con chó becgie cắn - Ảnh: Bệnh viện Hà Tĩnh

Chiều ngày 18/4, tin từ Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết vào tối ngày 17/4, bệnh viện này có tiếp nhận 1 bệnh nhân là bé trai 4 tuổi, được bố mẹ đưa tới trong tình trạng có nhiều vết thương chảy máu ở vùng đầu và mặt do bị chó cắn.

Bác sĩ Lê Ngọc Thắng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, cho hay bệnh nhi nhập viện với nhiều vết thương phần mềm ở vùng mặt, trong đó có vết thương lóc da đầu dài khoảng 13 cm. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành khâu liền các vết thương, tiêm uốn ván, kê đơn kháng sinh cho nạn nhân.

"Hiện, cháu bé đã được bố mẹ đưa về nhà để điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, để theo dõi các diễn biến bất thường có thể xẩy ra, bệnh viện đã yêu cầu gia đình phải đưa cháu tới khám định kỳ" - bác sĩ Thắng cho biết thêm.

Trước đó, vào tối ngày 10/4, 1 bé gái 5 tuổi cùng 4 người lớn khác bị con chó của nhà ông Phan Hữu Long (trú tại huyện Hương Sơn) từ trong nhà lao ra cắn. Một ngày sau khi tấn công nhiều người, con chó bị chết.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Thắng, gần đây, có nhiều trường hợp tai nạn thương tâm, thậm chí thiệt mạng do chó cắn. Đặc biệt là khi mùa hè tới, nguy cơ mắc bệnh dại càng gia tăng, nhưng một số người có tâm lý chủ quan, bị chó cắn nhưng không đi khám mà tự ý điều trị tại nhà hoặc chữa mẹo hay dùng thuốc nam.

Theo các chuyên gia, bệnh dại không thể phát hiện bằng mắt thường, và việc điều trị bằng thuốc nam đến nay chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại. 

Các bước xử lý khi bị chó cắn

Sau khi bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh vết thương, bao gồm: rửa vết thương bằng nước thường, tốt nhất là rửa trôi dưới vòi nước chảy. Sau đó rửa vết thương bằng xà phòng. Bởi xà phòng có thể làm rửa trôi vết bẩn và làm tan một phần virus.

Tiếp tục bôi cồn i-ốt vào vết thương để sát khuẩn, nếu không có cồn có thể dùng rượu trắng. 

Sau khi bị chó nghi bị dại cắn, nạn nhân cần đi tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt mà không cần phải theo dõi con vật. Nếu vết máu gần vị trí thần kinh trung ương thì phải tiêm cả huyết thanh kháng dại càng nhanh càng tốt

Lê Phương
Theo Đời sống Plus/GĐVN //