Giải pháp làm dịu làn da khô ngứa bong tróc trong các tháng mùa đông

30-09-2019 15:36:56

Bắt đầu bước sang mùa khô hanh ở miền Bắc đồng nghĩa với bạn bắt gặp các biểu hiện da khô ngứa và bị bong tróc. Làm sao để dưỡng da căng mịn, ẩm mượt trong mùa đông?

Thủ phạm khiến da khô ngứa, bong tróc trong mùa đông

Để phòng tránh và khắc phục tình trạng khô da, cần xác định được nguyên nhân chính xác. Trong mùa đông, không khí khô hanh và gió lạnh làm mất đi độ ẩm tự nhiên trên da, khiến da trở nên khô ráp hơn, thậm chí có cảm giác ngứa ngáy, da bị bong tróc ở mức độ nhẹ hoặc nặng. 

Tắm nước ấm và tắm lâu cũng sẽ khiến da khô hơn. Có nhiều loại xà phòng và sữa tắm cũng khiến da mất đi độ ẩm và khô ráp hơn.  

5 bước giảm khô ngứa cho làn da khi bước vào mùa khô

Không khí khô hanh và gió lạnh khiến da trở nên khô ngứa và dễ bong tróc

Bước 1: Tẩy tế bào chết trên da 

Nhiều người hiểu nhầm là khi da đang bị khô ngứa, bong tróc thì không nên tẩy da chết. Thật ra việc tẩy da chết sẽ lấy đi phần da bị bong tróc, đồng thời giúp loại bỏ những tế bào da chết, bụi bẩn trên da. Da càng sạch thì các sản phẩm dưỡng da sau đó sẽ càng thẩm thấu sâu vào cấu trúc bên trong, giúp nuôi dưỡng làn da tốt hơn. 

Để làm bong các tế bào da chết, các chuyên gia da liễu khuyên bạn nên dùng loại kem keratolytic hoặc kem tẩy tế bào chết chứa axit lactic hoặc salicylic.

Dù bạn có làn da thường, da nhạy cảm hay da khô thì cũng nên áp dụng biện pháp này mỗi tuần một lần. Nếu da quá khô và bị kích ứng, bạn nên chọn các sản phẩm tẩy da chết dịu nhẹ hoặc tự chế hỗn hợp tẩy da chết tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên (như dầu olive, đường nâu…).

Bước 2: Làm sạch da nhẹ nhàng 

Chọn loại sữa rửa mặt dịu nhẹ

Sữa rửa mặt có nhiều mùi hương, có nhiều bọt có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da càng khô hơn và bong tróc nhiều hơn. Đây chính là lý do mà các bác sĩ da liễu thường khuyên dùng các loại sữa rửa mặt không mùi, dịu nhẹ hoặc không có bọt như Cetaphil, Neutrogena, Lenka…

Trong mùa đông nên ưu tiên sử dụng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ để tránh làm khô da

Chọn sữa tắm dịu nhẹ, không tắm quá lâu quá kỹ

Khi da quá khô, bạn chỉ nên dùng sữa tắm dịu nhẹ, không có nhiều bọt và có thành phần dưỡng ẩm cao. Khi tắm, không nên tắm nước quá nóng và không nên tắm quá lâu. Tắm bằng nước nóng kéo dài giúp bạn cảm thấy dễ chịu nhưng lại khiến làn da “khóc thét”. Vì thế, khi da khô ngứa trong mùa đông bạn nên cố gắng tắm và rửa mặt nhanh với nước ấm vừa phải để giữ lại lớp màng ẩm tự nhiên trên da, để bảo vệ làn da.

Bước 3: Dưỡng ẩm toàn thân 

Sau khi rửa mặt và tắm, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm để cấp thêm độ ẩm và dưỡng chất cho da. Nếu không thường xuyên bôi kem dưỡng, bạn có thể dùng các sản phẩm cấp ẩm cho da có thành phần glycerin. Dù chọn loại nào để dưỡng ẩm thì hãy bôi ngay lên da sau khi rửa mặt và tắm rồi vỗ nhẹ lên da cho thành phần dưỡng thâm nhập sâu vào trong da.

Bước 4: Cảnh giác với ánh nắng mặt trời

Trong những tháng mùa đông, ánh nắng ít gay gắt hơn so với mùa hè nhưng các tia UV vẫn có khả năng làm hỏng làn da. Thực tế, bạn vẫn có khả năng bị cháy nắng ngay cả trong mùa đông nên hãy duy trì việc bôi kem chống nắng quanh năm.

Để bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời, hãy bôi kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trước khi đi ra ngoài. Ngoài ra, bạn cũng nên đeo kính râm, đội mũ, quàng khăn và đeo khẩu trang để tránh tác hại của nắng gió. 

Bước 5: Chú ý những thực phẩm giúp làm đẹp da

Chế độ ăn giàu chất béo tốt là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại làn da khô ngứa. Bởi các loại axit béo thiết yếu như omega-3 giúp tạo nên hàng rào giữ ẩm tự nhiên cho làn da. Hàm lượng omega-3 trong cơ thể thấp không chỉ khiến da khô hơn mà còn dễ mọc mụn. 

Thực phẩm giàu omega-3 giúp tạo hàng rào dưỡng ẩm cho da

Vì thế, hãy thêm các thực phẩm giàu omega-3 vào thực đơn như các loại hạt: hạt lanh, hạt óc chó,… cũng như các loại cá béo như: cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá trích, cá bơn,…

Để phòng ngừa khô da, uống đủ nước cũng là điều rất quan trọng. Bạn nên uống khoảng 6 – 8 ly nước mỗi ngày (hoặc 1,5 – 2 lít nước) để tăng tốc độ thải độc trên da và giúp giữ ẩm trên da. 

Ngoài ra, không khí khô, độ ẩm thấp làm cho da mất nước nhanh hơn, vì vậy hãy cố gắng tạo độ ẩm trong nhà bằng cách dùng máy tạo độ ẩm hoặc trồng thêm các loại cây xanh giúp lọc không khí trong nhà. Bạn nên dùng ẩm kế để theo dõi độ ẩm trong nhà tốt hơn, độ ẩm trong nhà tốt nhất là từ 40 – 50%.

Da vẫn khô? Hãy gặp bác sĩ da liễu!

Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà da vẫn khô ngứa, bong tróc hoặc trên da xuất hiện vết chàm thì hãy đi khám da liễu. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác gây khô da và có biện pháp xử trí phù hợp cũng như đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp bạn làm dịu làn da khô ngứa.

Đào Tâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN //