Đường Nhuệ và con nuôi có vai trò gì trong vụ án chủ DN Lâm Quyết?

02-05-2020 11:38:57

Liên quan đến vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của cặp vợ chồng từng bị Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ, Thái Bình) doạ giết, Toà đã ấn định ngày xét xử phúc thẩm.

Sự kiện:
Đường Nhuệ

Cụ thể, Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với 2 bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, Thái Bình), bị Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình xử phạt về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt 14 năm tù; Phạm Thị Quyết (SN 1967, Thái Bình), bị Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình xử phạt về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt 13 năm tù vào năm 2019.

Cả 2 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm. Phiên phúc thẩm xét kháng cáo của ông Lẫm, bà Quyết sẽ được Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở vào 8h ngày 11/5, tại trụ sở Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình, vụ án được xét xử công khai. Ở bản án sơ thẩm ngày 12/6/2019, bị hại là ông Đỗ Văn Tới, bà Lê Thị Tuyết.

Đáng chú ý, Đường Nhuệ và con nuôi Bùi Mạnh Tiến (Tiến “trắng”) cũng xuất hiện trong vụ án này. Theo bản án sơ thẩm, Đường Nhuệ và Tiến “trắng” là người làm chứng trong vụ án mà ông bà Lẫm, Quyết là bị cáo.

 
Đường Nhuệ và con nuôi xuất hiện với vai trò người làm chứng trong vụ án của nhà Lâm Quyết.

Ngoài Đường Nhuệ và con nuôi, còn có 2 người khác cùng làm chứng trong vụ án này. Tuy nhiên, Đường Nhuệ và Tiến “trắng” vắng mặt tại phiên toà, chỉ có 2 người làm chứng còn lại có mặt là ông Nguyễn Văn Nhàn và ông Nguyễn Bá Ngọc (cả 2 ông ở xã Thái Đô, Thái Thuỵ, Thái Bình). Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là ông Phạm Công Tự (TP.Thái Bình), Tống Thị Huệ (TP.Thái Bình), Phạm Văn Mạnh (TP.Thái Bình), Nguyễn Thị Linh (TP.Thái Bình).

Ở lần xét xử sơ thẩm, ông Tự, bà Huệ có đơn xin xét xử vắng mặt. Đường Nhuệ và Tiến “trắng” đã được triệu tập hợp lệ lần thứ 2 nhưng vẫn vắng mặt, người bào chữa cho các bị cáo, ông Mạnh đã được thông báo về thời gian, địa điểm tuyên án nhưng vẫn vắng mặt không có lý do, Hội đồng xét xử tuyên án vắng mặt đối với họ.

Theo bản án của Hội đồng xét xử sơ thẩm, kết luận bị cáo Lẫm, Quyết vay của ông Tới, bà Tuyết số tiền 9 trăm triệu đồng thông qua 2 hợp đồng vay vốn. Khi chưa trả số tiền vay trên, các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối để không trả nợ bằng cách bán tài sản thế chấp nhưng nói dối là chưa bán, chưa trả nhưng gian dối đã trả tiền và nại ra lý do mấy giấy biên nhận đã trả tiền cho ông Tới do Đường Nhuệ chiếm đoạt công ty, khi ông Tới yêu cầu giao tài sản thế chấp thì có hành vi tẩu tán tài sản thế chấp nhằm chiếm đoạt số tiền trên. Hành vi của bị cáo Lẫm, Quyết đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác.


2 vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết bật khóc khi về thăm lại công ty sau khi được tại ngoại. (Ảnh: VTC)

Tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của các bị cáo theo toà sơ thẩm là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, xâm phạm đến trật tự và an toàn xã hội.

Các bị cáo vay tiền của bị hại, chưa trả nhưng đưa ra các lý do gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền 9 trăm triệu đồng. Toà sơ thẩm xác định đây là vụ án đồng phạm giản đơn, hai bị cáo thống nhất ý chí thực hiện tội phạm, cùng thực hành, tuy nhiên bị cáo Lẫm thực hiện hành vi tích cực hơn, là người nhắn tin nói dối ông Tới về việc xe ô tô không bán cho người khác. Hành vi mang xe ô tô đi gửi, tháo biển số xe để tránh bị phát hiện, do đó bị cáo Lẫm là người giữ vai trò thứ nhất.

Bị cáo Quyết là người giúp sức, cùng ký vào giấy bán xe ô tô cho ông Tự, cùng gian dối việc đã thanh toán tiền, cùng nại ra lý do mất giấy biên nhận tiền của ông Tới để chiếm đoạt số tiền vay trên nên có vai trò thứ 2. Vừa qua, cả 2 người này đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn, họ được tại ngoại thay vì bị tạm giam trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm.

Phạm Hiệp
Theo Dân Việt //