Đưa con đi xóa bớt sắc tố, người mẹ phát hiện con bị nhiễm nấm đen lòng bàn tay
Lòng bàn tay bé trai 5 tuổi bị nổi dát thương tổn thành vệt nâu đen, tưởng con bị bớt sắc tố nên người mẹ đã đưa con đến bác sĩ mong muốn xóa bằng laser.
Bé trai 5 tuổi bị nhiễm nấm đen ở lòng bàn tay. Ảnh: VNExpress
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị nhiễm nấm đen ở lòng bàn tay. Theo đó, bệnh nhi là bé trai 5 tuổi, bị nổi dát thương tổn thành vệt nâu đen ở lòng bàn tay, tưởng con bị bớt sắc tố bên mẹ bé đã đưa con đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM "mong xóa bớt sắc tố bằng laser".
Tại bệnh viện, kết quả khám, xét nghiệm, bé nhiễm nấm đen lòng bàn tay chứ không phải bớt sắc tố. Sau hơn hai tuần điều trị kháng nấm, các thương tổn nâu đen biến mất. Trao đổi với VNExpress, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú - Phó Khoa Thẩm Mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, bệnh nấm đen do một loại nấm men là Hortae werneckii gây ra.
Bệnh thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bởi những dát màu nâu đen hình dạng không đều, không kèm theo triệu chứng đau rát hay ngứa, ở một bên lòng bàn tay, cũng có thể gặp ở lòng bàn chân hoặc ở cả hai bên.
Bệnh nấm đen không lây trực tiếp từ người sang người. Điều kiện thuận lợi dễ nhiễm nấm Hortae werneckii như tăng tiết mồ hôi nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân làm da luôn ẩm ướt hoặc khi sự toàn vẹn của da không còn do bị chấn thương hay mắc một số bệnh lý làm suy yếu hàng rào bảo vệ da.
Nếu không điều trị, bệnh thường diễn tiến mạn tính, không tự hồi phục. Khi chẩn đoán, điều trị kháng nấm phù hợp, các thương tổn nâu đen này biến mất sau 2-3 tuần. Theo bác sĩ Tú, các thương tổn nâu đen ở lòng bàn tay, lòng bàn chân trẻ tồn tại từ vài tháng đến vài năm nên nhiều gia đình nghĩ là bớt sắc tố, muốn xóa bằng laser.
"Có trường hợp trẻ điều trị laser ở bên ngoài nhiều lần nhưng không giảm, các thương tổn ngày càng đậm và lan rộng", bác sĩ Tú chia sẻ. Do đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ xuất hiện các thương tổn sắc tố trên da, đặc biệt là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu, tránh để thương tổn kéo dài.