Đắp lá trầu không trị nám, da mặt người phụ nữ biến dạng, loang lổ
Một phụ nữ 50 tuổi ở Hà Nội đã phải nhập viện điều trị với gương mặt biến dạng, loang lổ vì tin lời truyền miệng đắp lá trầu không trị nám.
Người phụ nữ nhập viện với gương mặt loang lổ sau thời gian đắp lá trầu không trị nám.
Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa đưa ra cảnh báo với những người lựa chọn trầu không để làm trắng da hay trị nám. Theo đó, thời gian vừa qua BV tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do bị tổn thương da vì đắp lá trầu không.
Điển hình là trường hợp của người phụ nữ 50 tuổi ở Hà Nội, bị nám má và được người thân giới thiệu bài thuốc đắp lá trầu không. Theo lời kể của nữ bệnh nhân, thời gian đầu mới đắp kết quả rất khả quan khi da trắng hồng tự nhiên, nhìn đẹp như da em bé.
Khi đã có kết quả tốt, người phụ nữ này đã dừng đắp lá. Tuy nhiên, ngay sau đó phần nám má lại xuất hiện và nhiều hơn trước khiến bệnh nhân không thể dừng bài thuốc được mách bảo. Và cứ thế suốt 3 năm qua, bệnh nhân liên tục bỏ rồi dùng lại bài thuốc kể trên.
Những ngày gần đây, do tình trạng ngày càng nặng nên người phụ nữ này đã đến BV Da liễu Trung ương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán toàn bộ da mặt của bệnh nhân là màu đen xen kẽ chấm trắng giảm sắc tố (tăng giảm sắc tố kiểu rắc hoa giấy) và phải điều trị dài ngày.
Một trường hợp khác ở Hải Dương cũng phải nhập viện điều trị vì bị viêm da tiếp xúc giảm sắc tố do dùng chất tẩy có hoạt chất được chiết xuất từ lá trầu không.
Trước đây, nữ bệnh nhân này bị nám má nên đã tìm đến một cơ sở spa bôi thuốc, đắp thuốc. Thời gian đầu, da bệnh nhân rất đẹp nhưng càng ngày, làn da bắt đầu xấu xí hơn trước, nên đã đến viện thăm khám và phát hiện ra bệnh.
Trầu không có thể làm trắng da nhanh nhưng vô cùng nguy hiểm
Hiểm hoạ khôn lường khi làm đẹp da mặt bằng trầu không
ThS.BS Hoàng Văn Tâm - Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán đoán hình ảnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y Hà Nội, cho biết, trong lá trầu không là một hợp chất, trong đó có 2 thành phần có tác động làm trắng rất mạnh là phenol và catechol. Vì vậy chỉ từ 3-7 ngày hoặc sau vài tuần, bệnh nhân nhận thấy sự "lột xác" trên da mặt. Tuy nhiên cách làm trắng da này ẩn chứa mối hiểm họa khôn lường.
Phân tích rõ hơn về hiểm hoạ làm đẹp từ lá trầu không, Bs Tâm cho biết, phản ứng viêm của bệnh nhân chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu nhờ nhiều hoạt chất tác dụng hiệp đồng nên da trắng sáng nhanh chỉ trong 1-2 tuần sử dụng. Tuy nhiên, sau đó khoảng một tháng, bệnh nhân sẽ bị tăng sắc tố gây đen da. Giai đoạn tiếp theo, người sử dụng hoạt chất này có thể gặp triệu chứng giảm sắc tố trên nền tăng sắc tố, với biểu hiện da đen trắng từng chỗ.
Để điều trị biến chứng do dùng lá trầu không, các bác sĩ cho biết cần điều trị chứng tăng và giảm sắc tố cho bệnh nhân, có thể bằng thuốc bôi, chiếu tia. Trong trường hợp nặng có thể phải cấy ghép da.
BS Tâm cũng khuyến cáo những tác động gây tăng, giảm sắc tố việc điều trị rất lâu dài, kiên trì, vì thế không khuyến khích chị em dùng sản phẩm này để chữa nám da hay với mục đích làm trắng da. Bởi không sớm thì muộn, các tác động xấu sẽ ngày càng rõ ràng do chất làm trắng quá mạnh. Để có làn da khỏe, chị em cần thực hiện chống nắng, dưỡng ẩm, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước.
Ngoài ra có thể sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên như nha đam, trà xanh, đắp mặt nạ trái cây... tuy có tác dụng làm trắng chậm nhưng dùng được lâu dài và an toàn.
Xem thêm: Bài thuốc từ quất xanh trị dứt đau họng, sổ mũi