Đám tang nghệ sĩ Anh Vũ và sự cười cợt, câu view trên nỗi đau người đã khuất
Cả đời cống hiến cho nghệ thuật nhưng đến khi qua đời, các nghệ sĩ vẫn trở thành cái cớ cho những con người vô ý thức câu view trên mạng xã hội.
Đám tang nghệ si Anh Vũ và sự cười cợt trên nỗi đau.
Vào 16h chiều 9/4, lễ viếng cố nghệ sĩ Anh Vũ diễn ra tại chùa Ấn Quang, quận 10, TP.HCM. Giữa bầu không khí tang thương, vẫn có những chuyện phản cảm xảy ra. Khá nhiều người trèo tường, đu cột trong chùa để chụp ảnh, quay phim bằng được. Những người khác vừa chạy theo vừa cười nói nhốn nháo. Bị hàng rào chắn ngang, họ đưa tay vô ngoắc ngoắc các nghệ sĩ, rồi đùa giỡn và chỉ trỏ: “Ê con… (tên nghệ sĩ) kìa… phải không? Ờ đúng rồi…”.
Họ hò hét, gọi tên nghệ sĩ, thản nhiên bình luận, trao đổi về nhan sắc, tướng mạo. Họ chen vô xin chữ ký, hoặc vui vẻ lấy điện thoại ra chụp ảnh các nghệ sĩ, có anh chàng khá trẻ còn túc trực suốt ngày chỉ để xông vô đòi chụp ảnh tự sướng với các “sao”.
Những người này đều chuẩn bị thiết bị phát 3G, máy quay, sạc dự phòng... để quay hình lễ tang nghệ sĩ Anh Vũ. Phản cảm hơn, có người còn vô tư livestream trực tiếp và kêu gọi bình luận, thả tim trên mạng xã hội.
Thậm chí, có cô gái còn đến đây check-in, cười cợt rồi “bắn tim” trước cáo phó của nghệ sĩ Anh Vũ. Sau những “chiến tích” có được, họ đăng lên mạng xã hội khoe với mọi người khiến ai nhìn thấy cũng phẫn nộ.
Những điều này tạo nên một khung cảnh hỗn loạn và thậm chí tối 9/4 đã có xô xát xảy ra khi dòng người đổ về chùa ngày càng đông, lực lượng bảo vệ phải làm việc cực kì vất vả.
Không riêng gì lễ tang nghệ sĩ Anh Vũ mà trước đây, lễ tang của các nghệ sĩ khác như Wanbi Tuấn Anh, Duy Nhân, Minh Thuận... cũng xảy ra tình trạng tương tự. NSƯT Hoài Linh đến viếng Minh Thuận đã bị người dân xung quanh bao vây và ngay cả khi anh từ chối không chụp hình, họ vẫn bám theo khiến gia đình Minh Thuận chỉ biết thở dài.
Nhiều người kiếm tiền trên nỗi đau của nghệ sĩ Anh Vũ.
Hay như Đông Nhi khi đến viếng Wanbi Tuấn Anh, cô khóc nhiều đến mức không thể đi nổi nhưng đám đông mặc kệ, họ tiếp tục chen lấn để được chụp hình với người nổi tiếng. Nghệ sĩ Thành Lộc trong đám tang cố nghệ sĩ Thanh Tòng cũng phải bức xúc lên tiếng khi đám đông chen lấn, gây mất trật tự lúc thực hiện nghi thức an táng.
Tâm tính người Việt vốn nhân ái, giàu lòng vị tha. Từ ngàn xưa đã có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Lúc còn gặp mặt nhau, dù có thể thù oán, hờn giận, ghét đến độ muốn “xúc đất đổ đi” nhưng khi người này đã mất, người kia phải gạt bỏ tị hiềm, mâu thuẫn bằng thái độ tha thứ, xí xóa, “huề cả làng”. Cho dù mối quan hệ đã diễn ra thế nào đi nữa thì việc có mặt thành kính phân ưu, tiễn người vừa khuất về đất mẹ vẫn xuất phát tự lòng thành.
Thời buổi này khác hẳn rồi. Có những người vừa mất, lập tức thiên hạ nhao nhao bu tới. Trong số đó lại có không ít kẻ cực kỳ kém ý thức, cực kỳ vô văn hóa.
Thậm chí chụp ảnh khoe chiến tích tại đám tang.
Khổ nhất khi người đã khuất vốn là “người của công chúng”. Người ta bèn “canh me” tại đám tang để chờ đợi những người nổi tiếng xuất hiện. Ai cũng biết rằng đám tang là nơi trang nghiêm, buồn bã, vì thế người đến viếng không nên ăn mặc quá lòe loẹt, sắc màu sặc sỡ. Nhưng do muốn chụp ảnh chung cùng nghệ sĩ nên đám đông hiếu kỳ bất chấp, cố diện những bộ quần áo “mát” nhất, “sành điệu” nhất.
Trong quan niệm của người Việt “Không ai chê đám cưới, không ai cười đám ma”. Thế mà nơi đau xót, nghẹn lời tiễn đưa người vừa khuất, đám đông lại ra rả bình phẩm. Phải chăng họ tưởng mình đang xem hát?!
Lễ tang là chuyện đau buồn, gia đình mong muốn có được sự tôn nghiêm để tôn trọng người đã khuất, hà cớ gì phải bất chấp tất cả để nhẫn tâm chà đạp lên lòng người ở lại vốn đang chịu nỗi đau mất mát quá lớn?