Đại biểu Quốc hội: Ngành Giáo dục có sự chủ động rất lớn ứng phó với dịch bệnh
Nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận và hoan nghênh ngành Giáo dục đã chủ động thích ứng với đại dịch Covid-19, biến “nguy” thành “cơ”, bảo đảm mục tiêu kép.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà. Ảnh: NVCC.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh): Nhất cử lưỡng tiện
Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều địa phương đã phải tạm dừng cho học sinh đến trường và chuyển sang hình thức dạy - học trực tuyến, dạy – học trên truyền hình. Qua đó, thể hiện sự chủ động, thích ứng của ngành giáo dục các địa phương và toàn hệ thống giáo dục, đào tạo trước đại dịch Covid-19.
Việc triển khai dạy học trực tuyến tuy mỗi nơi mỗi khác vì còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh thực tiễn, nhưng tinh thần chung là các thầy cô giáo và nhà trường đã rất nỗ lực và sáng tạo, có rất nhiều cách làm hay để khắc phục những khó khăn về cơ sở hạ tầng.
Tôi được biết có nhiều thầy cô giáo đang “gieo chữ” ở vùng cao vượt nhiều dặm đường, mang bài tập đến từng nhà cho từng học sinh, hay nhiều thầy cô giáo kết nối học sinh với các lớp học trên toàn cầu giúp học trò của mình có nhiều trải nghiệm thú vị và cơ hội luyện tập ngoại ngữ chủ động.
Tôi tin rằng, với sự tâm huyết và sáng tạo của các thầy cô giáo và sự đồng hành sát sao của các nhà trường, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục tiếp tục đạt được mục tiêu kép.
Ai cũng hiểu, với người học, đặc biệt là học sinh phổ thông, học tập trực tiếp vẫn là hình thức mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, việc lựa chọn dạy - học tập trực tuyến là giải pháp hợp lý, “nhất cử lưỡng tiện”.
Dạy – học trực tuyến, không chỉ đảm bảo hoàn thành mục tiêu kép, mà còn là chất xúc tác để thầy, cô giáo tiến công vào chuyển đổi số giáo dục.
Cá nhân tôi ghi nhận và hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã linh hoạt, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, để không em nào bị bỏ lại phía sau. Đơn cử như Chương trình Sóng và máy tính cho em đã tạo được hiệu ứng tích cực và lan toả sâu rộng trong xã hội.
Đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum): Biến “nguy”, thành “cơ”
Dịch Covid-19 đã có tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục. Thế nhưng, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; Toàn ngành đã chủ động thích ứng, chuyển đổi sang phương thức dạy – học trực tuyến, dạy học từ xa, dạy học trên truyền hình…
Từ việc dạy học trực tuyến cho thấy, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ thầy, cô giáo đã chuyến biến rõ nét. Đây là ưu điểm mà chúng ta cần phát huy trong thời gian tới. Ngành giáo dục biến “nguy”, thành “cơ”, tạo động lực cho các thầy, cô giáo chủ động tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.
Có thể nói, ngành Giáo dục đã có bước chuyển ngoạn mục trong việc tổ chức dạy học online. Đến nay, phương thức này đã trở thành hoạt động thiết yếu. Bản thân tôi cũng là một giáo viên, nên tôi nhận thấy, dạy học trực tuyến trở thành xu thế tất yếu và là nhu cầu tự thân.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã có sự chủ động rất lớn để ứng phó với dịch bệnh. Trong khi nhiều nước trên thế giới phải nghỉ học do lo ngại dịch Covid-19 thì Bộ GD&ĐT đã thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học” và thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa đảm bảo kế hoạch năm học.
Nhiều nước cũng phải huỷ các kỳ kỳ thi do dịch bệnh, nhưng 2 năm qua, Bộ GD&ĐT đã đã đưa ra được phương án phù hợp: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt và đã tổ chức thành công trên mọi phương diện, được xã hội đồng tình, hưởng ứng.