Cuộc chiến chống Covid-19: Nới lỏng hay siết lại?

25-02-2021 06:47:57

Trong lúc châu Âu vẫn đang rối ren khi một số nước trong khối quyết định đóng của biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, thì ở một số khu vực khác trên thế giới lại đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại để cứu vãn nền kinh tế.

Sự kiện:
Covid-19

Châu Âu đứng trước nguy cơ rạn nứt vì Covid-19

Ngày 23/2, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này đã chính thức cảnh báo 6 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc các biện pháp hạn chế biên giới mà những nước này đơn phương áp đặt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan có thể có thể phá vỡ hoạt động di chuyển tự do trong khối.

Phát biểu với báo giới, Người phát ngôn của EC Christian Wigand cho biết, cơ quan này đã gửi cảnh báo tới Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hungary và Thụy Điển vào ngày 22/2, nhấn mạnh khả năng các biện pháp hạn chế sẽ phá vỡ và làm gián đoạn hoạt động di chuyển tự do và chuỗi cung ứng.

EC lo ngại các biện pháp này đã “đi quá xa” so với những khuyến nghị được EU thông qua hồi tháng 10/2020 nhằm đạt được sự cân bằng tương ứng giữa việc kiểm soát dịch bệnh và duy trì hoạt động đi lại nội khối. EC cho các nước này thời hạn đến cuối tuần tới để nới lỏng các biện pháp hạn chế, nếu không cơ quan này có thể khởi kiện vì vi phạm luật của EU.

EC cho biết mục tiêu của EU là duy trì hoạt động của thị trường chung trong giai đoạn kinh tế đầy biến động hiện nay, đồng thời bảo vệ cuộc sống của các gia đình vào thời điểm những sự tiếp xúc xã hội ở bên ngoài bị hạn chế đáng kể”. Theo ông Wigand, EC tin rằng sẽ tìm ra giải pháp với 6 nước trên mà không phải tiến hành các biện pháp pháp lý vốn mất nhiều thời gian.

Trong thư gửi các nhà lãnh đạo EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, các quốc gia vẫn cần áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện EC đang tìm kiếm giải pháp chung để kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên EU. EC cho biết cơ quan này thông báo thời hạn 10 ngày để 6 nước trên điều chỉnh các biện pháp đơn phương cấm đi lại qua biên giới những nước này để chống dịch Covid-19.

Ủy viên Tư pháp Didier Reynders gọi những biện pháp của 6 nước này là “quá mạnh tay”. Trong khi đó, Người phát ngôn EC nhận định, EU đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra những sự rạn nứt và chia rẽ về vấn đề tự do đi lại cũng như chuỗi cung ứng - những vấn đề lặp đi lặp lại trong nhiều tuần qua.

Đáp lại, Đức phản đối mạnh mẽ quan điểm của EC, khẳng định các biện pháp hạn chế biên giới mà nước này áp đặt đối với vùng Tyrol của Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia là không hề vi phạm quy định của EU. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth cho rằng nước này đã phải đưa ra quyết định khó khăn do lo ngại sự lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2, khi nước này là một điểm trung chuyển quan trọng của EU.

Cùng với đó, bất chấp cảnh báo từ EC, lãnh đạo chính phủ nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí duy trì các biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết giữa các nước thành viên từ ngày 25/2, khi cho rằng nguy cơ lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn rất cao, trong khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng thách thức trong việc điều trị và bào chế vaccine.


Chốt kiểm soát tại biên giới Đức - Áo. Ảnh: DPA.

Nới lỏng đi lại để kích cầu du lịch

Trong khi các nước châu Âu vẫn đang loay hoay tìm biện pháp để hạn chế đi lại, thì tại Đông Nam Á, giới chức Thái Lan lại đang xúc tiến kế hoạch cho phép khách quốc tế nhập cảnh vào quý 3 năm nay, vì thường phải mất 4 tháng để hoàn thiện kế hoạch. Đối tượng được hưởng chính sách này là những người đã tiêm vaccine Covid-19. Khách tiêm vaccine được miễn một số giới hạn đi lại, nhưng vẫn có thể cần kiểm tra sức khỏe và giấy tờ phù hợp để bay. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết, đang chờ Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19 nới lỏng các quy định giãn cách và hạn chế đi lại.

Sau cuộc họp Nội các ở Bangkok hôm 23/2, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, người nước ngoài đến Thái Lan có thể được phép bỏ qua hai tuần cách ly nếu họ cung cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19, nhưng giới chức sẽ tiếp tục theo dõi họ. Chính phủ sẽ xem xét cẩn thận tất cả khía cạnh trước khi thực hiện.

Cùng với đó, Hãng hàng không quốc gia New Zealand đang lên kế hoạch sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số hay còn gọi là “hộ chiếu Covid-19” để chuẩn bị cho việc nối lại các chuyến bay quốc tế với Australia trong thời gian tới.

Air New Zealand dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm loại “hộ chiếu Covid-19” này trên chặng bay giữa thành phố Auckland của New Zealand và thành phố Sydney của Australia bắt đầu từ tháng 4 tới.

Phó Chủ tịch cấp cao Nick Careen của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho biết, ứng dụng này sẽ là cột mốc quan trọng cho việc khởi động lại các chuyến du lịch quốc tế trong bối cảnh việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang được triển khai trên toàn cầu. Ông Careen cũng khẳng định, ứng dụng đảm bảo quyền riêng tư bằng cách cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu y tế mà họ cung cấp.

Từ tháng 10/2020, Australia bắt đầu cho phép đi lại không cần kiểm dịch hay còn gọi là “bong bóng du lịch” xuyên biển Tasman một chiều với New Zealand. Và dự kiến từ cuối tháng sau người dân từ Australia cũng sẽ được phép nhập cảnh New Zealand mà không cần kiểm dịch. Tuy nhiên, do những đợt dịch Covid-19 bùng phát gần đây ở cả 2 nước, chính phủ 2 bên vẫn đang tiến hành đàm phán về thời điểm sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới cho phép công dân 2 nước đi lại tự do như trước thời điểm xảy ra đại dịch.

Đến nay, 42 hãng hàng không trên thế giới chấp nhận Thẻ thông hành của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho phép khách tiêm phòng vào các quốc gia mà không cần kiểm dịch. Phó Tổng cục trưởng TAT phụ trách châu Âu, Mỹ, Phi và Trung Đông, Siripakorn Cheawsamoot nêu tên một số hãng bay nằm trong danh sách trên là Thai Airways, Thai Smile, Qatar Airways, Etihad Airways, British Airways và Emirates Airways.     

Theo thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đến nay, nước này đã cam kết viện trợ vaccine Covid-19 cho 53 quốc gia, trong đó một số nước đã nhận được vaccine như: Pakistan, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Belarus... Cùng với đó, đã có 27 nước có nhu cầu nhập khẩu vaccine của Trung Quốc và những lô hàng đầu tiên cũng đã được chuyển đến nhiều quốc gia trong số đó như Hungary, Peru, Chile, Mexico.

 

HÀ ANH
Theo Đại Đoàn Kết //