Cúng dâng sao giải hạn có thực sự 'xóa' mọi vận hạn trong năm?

21-02-2019 07:10:00

Gần đây, hoạt động dâng sao giải hạn đầu năm đã trở nên phổ biến và xuất hiện nhiều biến tướng phản cảm. Việc cúng sao giải hạn liệu có thực sự 'xóa' được mọi vận hạn?


Lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) diễn ra từ Mùng 8- 20 tháng Giêng âm lịch. Ảnh báo Lao động.

La liệt ngồi dâng sao giải hạn

Những ngày đầu năm, hình ảnh hàng ngàn người dân ngồi la liệt, tràn ra lòng đường, chắp tay vái vọng vào trong một ngôi chùa ở Hà Nội để dâng sớ cúng giải hạn sao đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận.

Dâng sao giải hạn là một trong những nét tín ngưỡng của người Việt, ấy vậy mà cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động này đã biến tướng nhiều, trở nên phản cảm với hình ảnh hàng dài người la liệt đứng ngồi chờ làm lễ hay trở thành hoạt động "kinh doanh tâm linh", khi nhà chùa thu tiền người làm lễ.

Ngoài ra, còn vô số các hình ảnh phản cảm bên ngoài cửa chốn tâm linh, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi; đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội,...


Hình ảnh ấn tượng về lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội mới đây. 

Liên quan đến vấn đề dâng sao giải hạn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn đang trở nên ngày càng trầm trọng. Mong ước chính đáng của người dân đang bị lợi dụng và biến thành nhiều hoạt động, loại hình dịch vụ để trục lợi.

Có hay không việc dâng sao giải hạn sẽ có tác dụng?

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết, nguồn gốc của cúng dâng sao giải hạn dịp đầu năm là một tập tục xuất phát từ Trung Hoa gắn kết với đạo Nho, đạo Lão và đây được coi là điều cấm kỵ trong đạo Phật.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, người Trung Hoa quan niệm, vận hạn của con người được quản lý bởi 28 vì sao chiếu mạng và các sao này thực tế là những hành tinh gắn kết với hệ mặt trời mà chúng ta đang sống, hoặc là các hệ mặt trời bên ngoài


Thượng tọa Thích Nhật Từ.

Từ quan niệm như vậy, dẫn đến tình trạng phải cung kính, cầu mong các thần sao gia hộ, ngăn họa, ban phúc vào mỗi dịp đầu năm. Tuy nhiên, theo triết lý nhà Phật, thì hoạt động này không hề có trong Phật giáo cũng như liên quan đến nhà chùa.

"Phật giáo coi việc dâng sao giải hạn này là mê tín. Bởi, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người, cho nên để tạo tâm lý trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cung kính."

Việc dâng sao giải hạn không hề dính dáng đến chùa. Vì thực chất của đạo Phật và chùa là đi theo đúng tinh thần nhà Phật, tức là chống lại mê tín dị đoan. Bởi đạo Phật - chứ không phải Phật giáo - là một hệ triết học coi trọng trí tuệ, từ bi thoát tục.

Chùa là nơi giữ trí tuệ tâm linh, hạn chế tiêu cực của tâm linh nảy sinh từ dâng sao giải hạn. Chùa phải giữ được sự cân bằng tinh thần cho dân chúng mà nay lại ủng hộ cho dâng sao giải hạn là sai.

"Việc cúng dâng sao giải hạn chỉ là hoạt động trấn an tâm lý, phản Phật giáo, phản khoa học, phản nhân quả và không phải giải pháp thoát khổ. Như Đức Phật đã dạy giải pháp ở đây cần khoanh vùng nguyên nhân, dẫn tới chánh đạo để vượt qua các bất hạnh", Thượng tọa Thích Nhật Từ nói thêm.

Dâng sao giải hạn chỉ là cách trấn an tâm lý

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hộ đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng, sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm.

Theo nhà sư này, mỗi con người trồng cây quả ngọt sẽ được hưởng quả ngọt, trồng cây quả chua tất nhiên phải hưởng quả chua. Tương tự, làm việc tốt chắc chắn sẽ hưởng phúc, còn làm việc xấu sẽ chuốc tai họa.

Còn PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu tín ngưỡng, văn hóa dân gian cho biết trên Viettimes, dâng sao giải hạn đầu năm không phải là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, đây chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên.


PGS.TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền (ảnh: Viettimes).

Theo ông, không ai biết dâng sao giải hạn ở Việt Nam có từ khi nào, nhưng có sự trồi sụt do ảnh hưởng từ thực tế xã hội. Dâng sao giải hạn phát triển mạnh khi xã hội bất yên. Việc dâng sao giải hạn ở chùa hiện nay là một hiện tượng chống lại ý thức hệ khi cho rằng thực tại chỉ là sự níu kéo, ràng buộc con người vào đau khổ nên muốn phá bỏ.

Người ta tin vào dâng sao giải hạn vì trong cuộc sống họ gặp nhiều tai họa và dâng sao giải hạn chỉ như một hình thức con người đặt ra để tự an ủi mình.

Bộ Văn hóa tham gia chấn chỉnh những biến tướng phản cảm của dâng sao giải hạn

Ngày 18/2, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã ban hành công văn số gửi Sở VHTT&DL, Sở VH&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đầu xuân.

Công văn ghi rõ, năm 2019, về cơ bản các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách trên địa bàn cả nước. Các tỉnh, thành phố đã có những chỉ đạo kiên quyết, kịp thời và đảm bảo các điều kiện an toàn cho người tham gia lễ hội.

Cục Văn hóa cơ sở  cũng nêu rõ, qua theo dõi một số lễ hội được tổ chức đầu Xuân Kỷ Hợi và hoạt động tín ngưỡng tại di tích một số tỉnh, thành phố vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Điển hình như hiện tượng kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích; biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi...​

 

Rose
Theo Đời sống Plus/GĐVN //