Cục Đăng kiểm Việt Nam lên tiếng về việc một giám đốc trung tâm tư nhân bị bắt vì nhận hối lộ
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sự việc xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm tư nhân 6602D là rất đáng tiếc, ảnh hưởng lớn đến uy tín và nỗ lực của toàn ngành.
Trao đổi với Báo VTC News sáng 18/10, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đã nắm được thông tin liên quan việc Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tư nhân 6602D (tỉnh Đồng Tháp) và 3 đăng kiểm viên bị tạm giữ hình sự vì nhận hối lộ. Hiện đang chờ kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, mục tiêu của hoạt động kiểm định xe cơ giới là bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông, bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã hết sức nỗ lực, cố gắng xây dựng hình ảnh công tác đăng kiểm xe cơ giới văn minh, lịch sự, hiện đại, đề cao trách nhiệm phục vụ, đặc biệt là những nỗ lực phục vụ hoạt động vận tải và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong đợt đại dịch Covid-19 diễn ra vừa qua.
Tuy nhiên, sự việc xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm tư nhân 6602D đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và nỗ lực của toàn ngành. Đại diện Cục Đăng kiểm khẳng định, quan điểm của ngành là không bao che, sẽ xử lý nghiêm theo quy định và thẩm quyền đối với các sai phạm, kể cả biện pháp thu hồi giấy phép hoạt động của trung tâm và giấy chứng nhận đăng kiểm viên của những người vi phạm pháp luật.
Cục Đăng kiểm Việt Nam quyết liệt chỉ đạo, quán triệt, kiểm tra đối với các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong việc thực hiện đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương, quy trình, quy định trong hoạt động kiểm định xe cơ giới. Đồng thời, yêu cầu cầu các đơn vị đăng kiểm tuyệt đối không để xảy ra các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động.
Trung tâm đăng kiểm tư nhân 6602D (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Báo Pháp luật
Về việc đăng kiểm xe cơ giới, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, quy trình này được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn ISO 9001 và Thông tư 16/2022/TT-Bộ GTVT quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm.
Những thủ tục mà chủ xe cần thực hiện khi đi đăng kiểm phương tiện, gồm: nộp hồ sơ; chờ khám xe; đóng phí bảo trì đường bộ và dán tem đăng kiểm mới.
Quy trình kiểm định phương tiện có 5 công đoạn, gồm: kiểm tra nhận dạng, tổng quát; kiểm tra phần trên của phương tiện; kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang; kiểm tra môi trường (đo khí thải) và kiểm tra phần dưới (gầm) xe.
Mỗi lần xe vào kiểm định, đơn vị đăng kiểm phải chụp ảnh (thể hiện ngày, giờ) tổng thể xe, biển số để lưu trữ trong hồ sơ kiểm định và in trên giấy chứng nhận.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm của Cục được thực hiện qua: Giám sát trực tiếp; Giám sát qua hệ thống camera trực tuyến; Phúc tra kết quả kiểm định và Phản ánh của báo chí, cơ quan truyền thông.
Nguồn tin trên Báo Giao thông cho biết, theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến ngày 21/9/2022, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đình chỉ 12 đăng kiểm viên trong vòng 1 tháng, 3 đăng kiểm viên trong vòng 2 tháng; thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên 1 trường hợp.
Bên cạnh đó, đình chỉ 3 nhân viên nghiệp vụ trong đó có 1 trường hợp trong vòng 1 tháng và 2 trường hợp trong vòng 2 tháng. Ngoài ra có 5 dây chuyền kiểm định và 1 trung tâm đăng kiểm bị đình chỉ 1 tháng.
Vào ngày 17/10, Công an tỉnh Đồng Tháp đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thành Nguyễn (32 tuổi) - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 66-02D (số 123, QL80, ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp - trực thuộc Công ty TNHH MTV Đức Khôi) và 3 nhân viên của chi nhánh này.
Theo thông tin ban đầu, từ tin tố giác của người dân, vào lúc 15h ngày 14/10, Công an huyện Châu Thành phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang Nguyễn Thành Nguyễn và 3 nhân viên của Nguyễn đang có hành vi nhận 900.000 đồng tiền hối lộ (phí dịch vụ) của tài xế xe ô tô đến kiểm định để được bỏ qua lỗi của phương tiện, cấp lại giấy đăng kiểm.
Công an đã lập biên bản phạm pháp quả tang. Tại cơ quan công an, nhóm đối tượng thừa nhận đã bàn bạc và thống nhất thu “phí phụ thu” mà thực tế là tiền hối lộ của các tài xế có phương tiện mắc lỗi, với giá từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/phương tiện để bỏ qua lỗi và cấp giấy đăng kiểm đạt. Riêng trong ngày 14/10, nhóm của Nguyễn đã đăng kiểm 44 phương tiện và thu 20,5 triệu đồng hối lộ từ các tài xế.