Chuyên gia lên tiếng: Sử dụng cụm từ “thử ma túy cho học sinh” là không sai
Ông Lê Đức Hiền - nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – cho biết, việc sử dụng các cụm từ “thử ma túy”, hay “kế hoạch dự phòng nghiện ma túy” trong các văn bản liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy… là không sai.
Làm rõ cụm từ “thử ma túy cho học sinh”
Những giờ qua, dư luận có ý kiến trái chiều liên quan đến kế hoạch số 455/KH-BGDĐT "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021" của Bộ GDĐT.
Kế hoạch này nhằm triển khai các nội dung mà Bộ GDĐT được giao thực hiện tại văn bản số 1477/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, ban hành ngày 9.3.2021 về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
Hiện có nhiều ý kiến thắc mắc về cụm từ “thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh…”, hay “kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên” ở nhiệm vụ số 4 và số 8 trong kế hoạch và cho rằng câu chữ trong văn bản như vậy có thể gây hiểu lầm, khó hiểu cho người tiếp nhận.
Kế hoạch 455 có phần nhiệm vụ số 4, số 8 có một số cụm từ đang gây tranh cãi.
Trước những băn khoăn của dư luận liên quan đến các cụm từ sử dụng trong các văn bản nêu trên, phóng viên đã trao đổi với chuyên gia về công tác phòng chống ma túy để làm rõ nội hàm của các cụm từ này.
Theo ông Lê Đức Hiền - nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thực tế thời gian qua, có nhiều thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy trái phép hoặc nghiện ma túy. Để xây dựng giải pháp, chính sách phòng ngừa phòng ma túy cho thanh thiếu niên một cách khoa học, chính xác cần nắm chắc thực trạng công tác phòng chống ma túy trong trường học, trong đó, có thực trạng học sinh sử dụng hoặc nghiện ma túy.
Ông đánh giá cao các nội dung trong chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm cũng như kế hoạch 455 của Bộ GDĐT nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên.
Theo ông Hiền, việc sử dụng các cụm từ “thử ma túy”, hay “kế hoạch dự phòng nghiện ma túy” trong các văn bản nêu trên là không sai.
“Phối hợp thí điểm thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh chính là biện pháp dùng que test để thử (hay còn gọi là xét nghiệm, test thử ma túy) chủ yếu qua nước tiểu để sàng lọc tìm ra tỉ lệ thanh thiếu niên, học sinh sử dụng, nghiện ma túy. Khi triển khai kế hoạch thí điểm cụ thể sẽ có sự phối hợp của chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh học sinh. Cần chú ý phân biệt khái niệm, từ ngữ “thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh” chứ không phải “cho thanh thiếu niên, học sinh thử ma túy”- ông Lê Đức Hiền nhấn mạnh.
“Dự phòng nghiện ma túy” đã được sử dụng hơn 20 năm, ở nhiều quốc gia
Còn về cụm từ “dự phòng nghiện ma túy”, ông Lê Đức Hiền cũng cho biết, đây là thuật ngữ hay dùng, hay còn gọi là can thiệp dự phòng nghiện ma túy hoặc can thiệp dự phòng sử dụng ma túy.
Thuật ngữ này đã thành quen thuộc và thực hiện ở nhiều quốc gia từ hơn 20 năm nay, mang lại những hiệu quả, giá trị phòng ngừa lớn lao dựa trên bằng chứng. Năm 2013, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc đã ban hành "Chuẩn quốc tế về can thiệp dự phòng sử dụng ma túy" để các quốc gia xem xét, áp dụng.
"Mục tiêu chung của dự phòng nghiện ma túy là nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của trẻ em và thanh thiếu niên để nhận ra tài năng và tiềm năng của mình, trở thành các thành viên có ích của cộng đồng và xã hội.
Nói một cách dễ hiểu thì dự phòng nghiện ma túy là thực hiện (can thiệp) một hệ thống giải pháp có tính khoa học để phòng ngừa (dự phòng), mà cốt lõi là nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, làm thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu nguy cơ sử dụng ma túy, nghiện ma túy.
Nó có nhiều điểm giống các giải pháp phòng ngừa của chúng ta lâu nay nhưng phát triển cao, sâu rộng hơn toàn diện hơn, kết hợp nhuần nhuyễn các giải pháp khoa học và thực tiễn, do vậy, hiệu quả hơn.
Chương trình dự phòng nghiện ma túy lâu nay vẫn được xây dựng, triển khai tại trường học, nơi làm việc, tại gia đình, trong cộng đồng xã hội”- ông Lê Đức Hiền - nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội – thông tin.