Chuyên gia giải mã hiện tượng đám mây kỳ lạ như đĩa bay bao quanh núi Bà Đen
Những hình ảnh ghi lại khoảnh khắc về hiện tượng đám mây kỳ lạ như đĩa bay bao quanh đỉnh núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) thu hút sự chú ý của nhiều người.
Khoảnh khắc tự nhiên hiếm gặp trên đỉnh núi Bà Đen thu hút sự chú ý của nhiều người. Ảnh: Mạng xã hội
Sáng 24/11, những hình ảnh ghi lại khoảnh khắc tự nhiên hiếm gặp trên đỉnh núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Theo đó, những đám mây lớn màu trắng xuất hiện bao quanh đỉnh núi này, tạo hình thù độc đáo, nhiều người chứng kiến liên tưởng đến đĩa bay hay chiếc nón khổng lồ. Không ít người còn cho rằng, đây là hiện tượng đặc biệt, có ý nghĩa tâm linh trên đỉnh núi thiêng Bà Đen.
Trao đổi với Báo VietNamNet, ông Lê Đình Quyết - Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, đây là hình ảnh độc đáo, hiếm xảy ra tại khu vực. Tuy nhiên, những người dân sống ở gần núi Bà Đen cũng đã từng chứng kiến hiện tượng tương tự.
Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng này còn có thể xảy ra vào tháng 11, thời điểm thường có nhiệt độ thấp, có mưa, độ ẩm không khí cao. Tuy nhiên, để khách du lịch bắt gặp hình ảnh như sáng 24/11 thì không dễ.
Các chuyên gia nhận định đây là hiện tượng mây "thấu kính". Ảnh: Mạng xã hội
Lý giải về hình ảnh đám mây lớn màu trắng, xuất hiện bao quanh đỉnh núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) vào sáng 24/11 này, TS Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho hay, đây là một đám mây "thấu kính".
Theo ông Huy, đây là loại mây hiếm gặp, được hình thành ở tầng đối lưu và cực kỳ đặc biệt. Chúng được tạo ra từ rìa của những tầng sóng không khí hoặc giữa các lớp gió với nhau. Điều đặc biệt của nó là dù gió mạnh cỡ vừa nó cũng không bị vỡ cấu trúc hoặc bị tan. Nó chỉ tan khi có đám mây khác lớn hơn xâm lấn đến hoặc hơi ẩm tại chỗ ngưng bốc hơi, ngưng cấp năng lượng cho nó.
Điều kiện để hình thành mây thấu kính là có một dòng không khí khô mà lạnh di chuyển theo phương ngang, song song mặt đất, đi vào một khu vực có dòng không khí nóng ẩm đang bốc hơi ổn định từ một quả núi hay đồi. Khi lớp không khí ẩm tại quả núi bị đẩy lên cao gặp khối không khí khô và lạnh đi vào từ gió ngang thì nó ngưng tụ lại thành những đĩa mây chồng lên nhau. Núi Bà Đen tròn như một giá thể để hai khối không khí tương tác và xoáy quanh nó, tạo thành đĩa mây thấu kính.
Theo các chuyên gia, trên thực tế hiện tượng này không hiếm gặp ở các đỉnh núi tại Việt Nam cũng như trên thế giới Ảnh: Mạng xã hội
Trong khi đó, nguồn tin trên Báo VNExpress cho biết, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cũng nhận định hiện tượng trên thực chất là mây dạng thấu kính (Lenticular clouds). Đây là những đám mây đứng yên, có hình dạng tương tự thấu kính và hình thành ở những dãy núi cao. Thông thường mây thấu kính hình thành theo hướng song song với hướng gió, tách thành ba loại gồm Altocumulus, Stratocumulus và Cirrocumulus (lần lượt là mây trung tích, tầng tích và ti tích) tuỳ vào điều kiện thời tiết địa hình.
Khi không khí ẩm và ổn định chảy qua một ngọn núi, một loạt các lượt sóng (không khí) dừng có thể hình thành ở mặt bên của nó. Nếu nhiệt độ tại đỉnh sóng giảm xuống dưới điểm sương, hơi nước lơ lửng sẽ ngưng tụ lại tạo thành đám mây dạng thấu kính.
Trong quá trình tiếp tục của dòng không khí, khi đi xuống chỗ lõm của sóng, đám mây có thể bốc hơi, tạo nên các cạnh đặc trưng. Ở một số điều kiện nhất định, chuỗi dài các đám mây dạng thấu kính có thể hình thành gần đỉnh của mỗi đợt tiếp theo trong một mô hình đám mây, có thể kéo dài hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn km.
Thông tin với Tạp chí Người đưa tin, các chuyên gia khí tượng khẳng định, trên thực tế hiện tượng này không hiếm gặp ở các đỉnh núi tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Song đám mây như trên đỉnh núi Bà Đen sáng 24/11 là có hình thù rất rõ và đẹp mắt.
Núi Bà Đen là ngọn núi nổi tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, nằm ở độ cao 986m và được mệnh danh là Đệ nhất thiên sơn khu vực Nam Bộ. Những tín đồ leo núi ở phía Nam còn đặt tên cho Bà Đen là "ngọn núi quốc dân" vì sở hữu rất nhiều cung đường để khám phá, chinh phục nhiều lần mà không chán như: đường cột điện, đường chùa, đường ống nước, Ma Thiên Lãnh, Núi Heo, Núi Phụng, Đá Trắng... Mỗi cung đường này lại có những dạng địa hình khác nhau để các nhà leo núi và du khách thoải mái chinh phục, trải nghiệm. |