Chạy chơi khi đang ăn, bé trai 7 tuổi tím tái vì hóc sặc hạt quất hồng bì
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa lấy thành công hạt quất hồng bì trong phế quản một bệnh nhi 7 tuổi bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm gây mê.
Bệnh nhi là bé Vũ Văn Q., 07 tuổi, ở huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Gia đình cho biết, buổi tối khi đang ăn quất hồng bì, trẻ chạy nhạy và xuất hiện ho, sặc, tím nhẹm, nôn ra có ít máu.
Gia đình vội đưa cháu đến TTYT Đầm Hà xử trí, tuy nhiên trẻ vẫn xuất hiện ho nhiều, khó thở nên được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Tại đây, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy tại vị trí Carina - phế quản gốc bên trái có dị vật tăng tỉ trọng, bờ nhẵn kích thước 11x5mm, gây hẹp lòng phế quản gốc bên trái của trẻ.
Các bác sĩ tiến hành nội soi gắp dị vật cho trẻ.
Qua hội chẩn chuyên khoa bác sĩ chẩn đoán trẻ bị di vật phế quản gốc bên trái và chỉ định chuyển Khoa gây mê hồi tỉnh thực hiện nội soi phế quản gắp dị vật cho trẻ. Kíp thủ thuật thực hiện nội soi phế quản ổng mềm dưới gây mê phát hiện tại phế quản gốc có dị vật dạng hạt, cứng, kích thước 15x12mm và tiến hành gắp bỏ dị vật thành công cho trẻ.
Hiện sau gắp dị vật trẻ đã thở dễ, sinh hoạt ăn uống không còn trở ngại và sẽ được cho xuất viện trong nay mai.
Bác sĩ Phạm Đăng Hùng, thành viên kíp thực hiện thủ thuật cho biết: Nội soi phế quản ống mềm là thủ thuật giúp bác sĩ quan sát đường hô hấp bằng ống soi mềm để chẩn đoán các bệnh lý bên trong cây phế quản, từ khí quản đến các phế quản nhỏ.
Thời gian cho một ca nội soi phế quản bằng ống mềm chỉ mất khoảng 5 – 10 phút, giúp các bác sĩ can thiệp dễ dàng ngay cả đối với những vị trí khó tiếp cận nhất của đường thở, quan sát và điều trị tổn thương mà không gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Hạt quất hồng bì được các bác sĩ gắp ra khỏi cơ thể bệnh nhi.
Bác sĩ cảnh báo, để tránh bị hóc dị vật, người lớn cần tập cho trẻ thói quen ăn trong yên tĩnh, không đùa nghịch. Không cho trẻ nghịch những đồ chơi tròn, nhỏ, không nên cho trẻ đeo vòng có hạt. Chưa kể thức ăn thông thường cũng có thể trở thành dị vật nếu như trẻ đang ăn kèm khóc hoặc đùa nghịch.
Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, phải nhanh chóng xử trí không để trẻ bị ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được, đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và gắp dị vật ra.
Nếu trẻ khó thở nặng, tím tái, vật vã, hôn mê, hãy thực hiện ngay thao tác đặt trẻ nằm đầu thấp, sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ tạo áp lực trong lồng ngực để đẩy dị vật ra. Với trẻ lớn hơn, các bậc phụ huynh ôm lấy ngang bụng trẻ, ép bụng trẻ lại, dị vật vọt ra dễ dàng, sau đó đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi.