Cây tầm bóp trị viêm họng, đái tháo đường, nhưng chớ nhầm lẫn với cây lu lu mà ngộ độc

17-08-2017 15:30:45

Tầm bóp được sử dụng làm rau ăn. Trong đông y, tầm bóp được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh. Nhưng cây này dễ bị nhầm lẫn với cây lu lu đực.

Cây tầm bóp thân thảo, cao từ 50-90cm. Cây có nhiều cành nhánh, lá hình bầu dục, mọc so le, chia thùy hoặc không. Hoa mọc đơn độc, có cuống mảnh.

Cây tầm bóp vừa làm rau ăn, vừa hỗ trợ chữa bệnh

Quả tầm bóp mọng, tròn, nhẵn. Lúc chưa chín, quả có màu xanh; khi chín có màu đỏ. Quả nhiều hạt, có đài bao quanh bên ngoài.

Cây tầm bóp ra hoa kết quả quanh năm, được coi là một loài rau sạch. Rau tầm bóp có thể chế biến thành nhiều món ăn như luộc, xào, nấu, hoặc làm  rau trong món lẩu rất hấp dẫn. Món rau tầm bóp có hương vị hơi đắng nhưng thanh và mát nên được ưa thích. Ngoài ra, các bộ phận trên cây tầm bóp đều có thể sử dụng làm thuốc.

Theo y học cổ truyền, cây tầm bóp vị đắng, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, khu đàm, chỉ khái, nhuyễn kiên tán kết. Tầm tóp có tính mát nên có tác dụng giải nhiệt, có hiệu quả trong việc hỗ trợ chữa các bệnh dạ dày, mụn nhọt.

Quả tầm bóp được coi là có giá trị nhất ở cây này. Quả tầm bóp hình tròn, nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao một lớp vỏ mỏng giống hình lồng đèn (chính vì hình dáng này nên ở một vài nơi, tầm bóp còn được gọi là cây đèn lồng hay thù lù cạnh). Khi chín, quả có màu đỏ rất đẹp. Quả tầm bóp ăn được, vị hơi chua, có thể dùng làm mứt. Ở Nhật Bản, loại quả này đang được bán với giá khoảng 700.000 đồng/kg

Quả tầm bóp khi còn tươi. Ảnh: Khỏe 24h

Theo Đông y, quả tầm bóp tính bình, tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, dùng trị viêm họng, khan tiếng, ho khan, tiểu ít, ban đỏ, thủy đậu, tay chân miệng...

Ngoài ra, người ta còn sử dụng tầm bóp để trị cảm sốt, ho nhiều đờm, phiền nhiệt, yết hầu sưng đau bằng cách dùng 20-40g khô sắc uống. Để trị nhọt vú, đinh độc: Dùng 40-80g cây tươi giã vắt lấy nước cốt uống, bã thì dùng đắp; hoặc nấu nước rửa. Để trị đái đường, dùng rễ cây tươi khoảng 20-30g nấu với tim lợn, chu sa để ăn, cách ngày dùng một lần, dùng 5-7 ngày.

Quả tầm bóp được bày bán. Ảnh: Khỏe 24h

Ở Ấn Độ, toàn cây tầm bóp được sử dụng làm thuốc lợi tiểu; lá được dùng trị các rối loạn ở dạ dày.

Đừng nhầm tầm bóp với cây lu lu

Cây lu lu đực cũng có quả giống quả cà. Vì vậy khá nhiều người nhầm lẫn cây lu lu đực với cây tầm bóp và sử dụng quả lu lu để ăn trong khi quả lu lu có chất độc.

Trong bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, nhà xuất bản Y học Hà Nội 2004, ở trang 140, GS.TS Đỗ Tất Lợi đã mô tả loài cây lu lu với những đặc điểm sau: Lu lu là cây thân thảo cao khoảng 0,5-0,8m, thân cây có thể có nhiều cạnh. Lá mọc đơn, phiến lá hình bầu dục hoặc hình trứng dài 4-15cm, rộng 2-3cm, đặc điểm này rất dễ nhầm lẫn với các loài thuộc chi Tầm bóp (Physalis). Hoa thường mọc thành chùm với tự hoa dạng tán, tự hoa không mọc ra từ nách lá như các loài Tầm bóp (Physalis) mà mọc ra ở phía trên của nách lá. Quả hình cầu thành chùm, khi chín có màu đen.

Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi, cây lu lu mọc hoang dại khắp nơi. Toàn bộ cây Lu lu đực đều có chứa chất độc Solanin.

Cây lu lu đực có quả hình tròn, thế nhưng vẫn không ít người nhầm cây này với cây tầm bóp và hái quả ăn. Ảnh: Khỏe 24h

Theo báo cáo của Trung tâm An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Canada (CCOHS) hợp tác Chương trình quốc tế về An toàn hóa chất (IPCS), quả xanh của loài Lu lu đực chứa nhiều độc tố Solanin hơn cả.

Người ta cũng cảnh báo rằng ở lá của lu lu đực còn có chứa chất Nitrate. Nếu ăn phải một lượng lớn các quả còn xanh và lá tươi của loài lu lu đực, sau 6-12 tiếng có thể xảy ra các hiện tượng sốt vã mồ hôi, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn hô hấp, buồn ngủ...

Thực ra, theo GS.TS Đỗ Tất Lợi thì vẫn ăn lu lu đực được với điều kiện luộc thay nước một vài lần. Nếu ăn quả, chỉ được ăn quả chín và ăn với số lượng ít.

Nói về tác dụng trong y học thì nước sắc cây lu lu đực dùng rửa vết thương, mẩn ngứa hay bỏng. Dịch ép của cây – tùy liều lượng có thể dùng điều trị gan hoặc bệnh vẩy nến.

Lu lu đực theo tác giả Đỗ Tất Lợi thì nó nên được luộc thay nước qua một vài lần để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi muốn dùng nó như là thực phẩm chế biến món ăn. Ngoài ra nếu ăn quả, chỉ được phép ăn quả chín và ăn số lượng ít.

Với các đặc điểm nhận dạng chi tiết như nêu trên, hi vọng mọi người không còn nhầm lẫn hai loại cây này và sử dụng chúng đúng mục đích hơn. 

Hạ sốt dứt điểm cho con bằng cây thuốc trong vườn. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Hoài Hương
Theo Đời sống Plus/GĐVN //