Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:43
RSS

Trồng rau sạch ven đường để ăn, cả nhà có nguy cơ ung thư phổi

Thứ bảy, 15/04/2017, 11:15 (GMT+7)

Trước các thông tin rau xanh nhiễm hóa chất độc hại nhiều người dân thành phố tìm cách trồng rau sạch ven đường nhưng họ không biết rằng, ăn rau này sẽ vô cùng nguy hiểm.

Theo ghi nhận từ báo Dân Trí, đứng trước mối lo ngại về rau nhiễm độc đó, rau phun hóa chất, nhiều hộ dân tại Hà Nội đã tận dụng các dải phân cách, vỉa hè, ven đường để tự “sản xuất rau an toàn”. 

Trồng rau ven đường, ven sông có nguy cơ nhiễm kim loại nặng. Ảnh: Dân Trí

Tại đoạn đường vành đai 2 (đoạn qua dốc Bưởi – Hà Nội) từ nhiều tháng nay, xuất hiện một vườn rau độc đáo dài khoảng 2km. Mỗi hốc bê tông bên đường được người dân bỏ đất, trồng đủ loại rau. Theo tìm hiểu, vườn rau được trồng cách đây một năm khi đường vành đai 2 hoàn thiện. Ban đầu chỉ có 1 vài người trồng về sau thấy rau mọc tươi tốt nhiều hộ gia đình ở xung quanh cũng học tập theo. Mỗi vườn rau rộng khoảng từ 20 – 60m2 được người dân quây rào cẩn thận.

Tương tự, tại khu vực sông Tô Lịch, nhiều hộ dân tận dụng những khoảng trống ít ỏi hai bên bờ sông để gieo hạt, trồng rau xanh cung cấp cho bữa ăn gia đình. Nhiều hộ còn sử dụng ngay nguồn nước sông ô nhiễm để tưới cho rau. Khu vực này cũng là nơi tập kết rác thải sinh hoạt nên chuột bọ thường xuyên lui tới rất mất vệ sinh.

Tuy nhiên, một điều ít người có thể ngờ rằng, với cách trồng rau ven đường như người dân đã chọn tưởng chừng an toàn, nhưng lại có nguy cơ nhiễm độc rất cao. Bởi cách thức để người dân trồng rau cũng hết sức đơn giản, đó là làm tơi xốp bề mặt đất sẵn có ven đường sau đó gieo hạt giống và sau khoảng thời gian ngắn đã có thể thu hoạch một lứa “rau sạch” được cho là an toàn tuyệt đối, không hề có thuốc trừ sâu hay kích thích.

Liên quan tới việc người dân trồng rau ven đường, trước đó đó báo Pháp luật Việt nam cũng dẫn thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, lượng khí thải ra trung bình trong một mét khối không khí ở Hà Nội có tới khoảng 80 µg (mi-crô gram) bụi khí PM10. Một nguồn gây ô nhiễm trầm trọng là khí thải từ các phương tiện giao thông trong đó ô tô và xe máy đã trở thành nguồn chủ yếu sinh ra ô-xít ni-tơ, khí CmHn, SO2 và bụi. Lượng khí thải này một phần tác động trực tiếp vào các loại rau trồng ven đường, trên dải phân cách, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Mặt khác, kim loại nặng (thủy ngân, chì, asen, đồng, kẽm, thiếc), là những chất độc thường chứa trong nước thải, khói thải của các khu công nghiệp, động cơ máy hoặc có sẵn trong đất từ trước, hoặc từ phân rác. Vì thế, rau dễ bị ô nhiễm kim loại nặng khi được trồng quá gần các nhà máy công nghiệp, nút giao thông trọng điểm, dùng nước tưới từ kênh mương có nước thải từ các khu công nghiệp, bón phân rác, hay trồng trên đất có chứa các kim loại nặng độc hại.

Trồng rau ven đường còn có nguy cơ ung thư phổi. Ảnh minh họa: Zing news 

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Rau được trồng tại dải phân cách, lề đường giao thông vẫn lên tốt bình thường nếu được chăm sóc, nhưng ít ai biết những loại đất đó là đất tạp, không được kiểm soát nên trong đất có chứa một số chất độc hại. Rau được trồng trên loại đất tạp có thể nhiễm chất độc do tích tụ từ đất gây ra những nguy hại đến chính sức khỏe con người”.

Cũng theo ông Thịnh, nếu rau được trồng ở gần đường nhựa (bêtông asphalt) thì càng nguy hại hơn bởi bụi từ nhựa đường chứa nhiều vi sinh vật cũng như độc tố nguy hiểm, hít phải loại bụi này về lâu dài có nguy cơ bị ung thư phổi.  

Ông Thịnh khuyến cáo, để trồng được rau sạch thật sự, người dân nên lựa chọn loại đất chuyên canh trồng rau, đó là đất được cải tạo liên tục hoặc loại đất sạch đóng sẵn được bán nhiều ở các cửa hàng cây giống. Đặc biệt, cần tránh trồng ở những vỉa hè, ven đường có nhiều phương tiện đi lại và tưới rau bằng nguồn nước sạch. 

Nguyên tắc giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân


Theo Chất lượng Việt Nam