Cảnh báo nhiễm độc khi đựng đồ ăn bằng hộp nhựa và cách khắc phục

09-10-2018 11:00:58

Vì tính chất tiện dụng và giá rẻ, nhiều người vẫn lựa chọn những sản phẩm nhựa mà không biết rằng có thể gây nguy hiểm khôn lường.


Những sản phẩm dùng để đựng thức ăn được làm bằng nhựa tái chế rất nguy hiểm cho sức khoẻ người sử dụng. Ảnh minh hoạ: Internet

Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc vừa cảnh báo, những người chuyên ăn sáng bằng bát đĩa làm từ nhựa có nồng độ nhiễm melamine ( hóa chất hữu cơ được dùng rộng rãi trong sản xuất đồ nhựa) cao gấp 8 lần so với nhóm người dùng đồ sứ.

Nghiên cứu cho biết: Nếu một người ăn nhiều hơn hai lần sử dụng bát đĩa nhựa mỗi ngày, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm tối thiểu là 0,0083mg melamine. Mặc dù con số này là khá nhỏ nhưng lại đáng lưu tâm đối với những người yếu thận như trẻ em và phụ nữ mang thai.

Bên cạnh đó, ung thư, dậy thì sớm, ảnh hưởng đến buồng trứng, tinh trùng, nhiễm độc melamine ... là những bệnh vô cùng nguy hiểm do nhiễm độc hoá chất từ các đồ dùng bằng nhựa khi sử dụng để đựng, bọc thực phẩm.

CPCHE (Tổ chức Sức khỏe và Môi trường Trẻ em Canada) khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá tin tưởng vào mác “an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng” đối với các sản phẩm về nhựa. Tốt hơn hết là không nên sử dụng hộp nhựa hoặc bọc thức ăn bằng nhựa trong lò vi sóng vì các hóa chất độc hại có thể ngấm từ nhựa vào thực phẩm và đồ uống.

Hiện trên thị trường nước ta có nhiều hộp nhựa đựng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất thủ công, không qua kiểm định. Nhưng vì tính chất tiện dụng và giá rẻ, nhiều người vẫn lựa chọn những sản phẩm nhựa này.

Tả lời Trí thức trẻ, bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, công tác tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), việc sử dụng các hộp nhựa cũ, bị ố vàng hoặc tái sử dụng các loại hộp nhựa như hộp đựng kem, chai lọ đựng nước ngọt, hộp đựng thức ăn chế biến sẵn… tiềm ẩn nguy cơ khuẩn hoặc nghiêm trọng hơn là nhiễm độc.

Đặc biệt, nếu sử dụng phải loại hộp nhựa kém chất lượng, có thành phần BPA (Bisphenol A) cao thì lại càng nguy hiểm hơn. Bởi nó là nguyên nhân gây sảy thai ở phụ nữ, vô sinh ở nam giới và dậy thì sớm ở trẻ em, số lượng cũng như chất lượng tinh trùng ở những nam giới này thường kém hơn người khác từ 3 – 4 lần.


Hãy tránh xa đồ nhựa, hạn chế đựng thức ăn bằng hộp nhựa tái chế

Làm gì để hạn chế phơi nhiễm với nhựa?

- Ăn trái cây và rau quả tươi ngay khi có thể, tránh việc đựng hoặc bảo quản chúng trong giỏ nhựa, túi nylon, hộp nhựa… khiến các hóa chất có thể rò rỉ và thấm vào.

- Đừng nấu thức ăn hoặc đồ uống bằng lò vi sóng (kể cả sữa bột cho trẻ sơ sinh và sữa mẹ được hút ra) trong vật dụng bằng nhựa. Vì việc hâm nóng thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ giải phóng hóa chất vào thức ăn. Hãy sử dụng bát đĩa, ly hoặc bình thủy tinh thay thế.

- Dùng lọ thủy tinh hoặc thép không gỉ để bảo quản thực phẩm của bạn.

- Tránh nhựa với mã tái chế số 3 (có nghĩa là nó chứa phthalates), số 6 (chứa styrene) và số 7 (chứa bisphenol).


Xem thêm: Bố mẹ cô dâu trao cho đôi uyên ương tấm biển quà cưới tặng 10 tỷ đồng

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //