Cảnh báo miếng dán chống say xe gây rối loạn tâm thần cho trẻ
Ít ai ngờ thủ phạm gây ra chứng rối loạn tâm thần cho trẻ với các biểu hiện như ngủ li bì, la hét, kích động dữ dội... lại là miếng dán chống say xe.
Miếng dán chống say xe có chứa hoạt chất scopolamine gây rối loạn thần kinh cho trẻ
Một bệnh nhi 9 tuổi tại TP HCM đã phải nhập viện vì hoảng loạn, rối loạn tâm thần, la hét, kích động dữ dội, gia đình nghi ngờ viêm não. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định, đó là triệu chứng của loạn thần mà thủ phạm gây ra ít ai ngờ tới. Đó là các miếng dán chống say tàu xe.
Miếng dán say tàu xe chứa “hơi thở của quỷ”
Trả lời VnExpress, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết các triệu chứng này khá giống với viêm não. Không ít trường hợp phụ huynh đưa trẻ đi chữa viêm não nhiều nơi trước khi phát hiện thủ phạm là do miếng dán chống say tàu xe. Trước bệnh nhi 9 tuổi, một trẻ 4 tuổi cũng vào viện với biểu hiện tương tự do sử dụng miếng dán này sau chuyến du lịch.
Theo bác sĩ Khanh, miếng dán chống say xe có chứa hoạt chất scopolamine là chất kích thích hệ thần kinh. Scopolamine được biết đến với tên gọi “hơi thở của quỷ”, là một loại ma túy có tác động mạnh đến hệ thần kinh trung ương.
Mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 10 trẻ ngộ độc hoạt chất scopolamine có trong miếng dán, thường gặp nhiều trong mùa hè trẻ đi chơi xa. Có trẻ vào viện khi đã hôn mê. Ở nhiều nơi, trẻ nhập viện khi miếng dán đã tháo ra, bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể chẩn đoán nhầm với viêm não.
Trong khi đó, trả lời Sài Gòn Giải phóng, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên, nguyên giám định viên của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, scopolamine là một loại thuốc thuộc nhóm kháng cholinergic (thần kinh hệ phó giao cảm), có nhiều tác dụng trên cơ thể, bao gồm giảm sự tiết dịch, làm giảm sự co bóp dạ dày và nhu động ruột, giãn đồng tử chất. Chất scopolamine được sử dụng để làm giảm nôn mửa, chóng mặt, chống say tàu xe… Tuy nhiên, scopolamine có thể gây ra sự nhầm lẫn, kích động, lời nói lan man, ảo giác, hành vi hoang tưởng và ảo tưởng.
Thận trọng khi sử dụng
Trên bao bì miếng dán được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi nhưng theo bác sĩ Khanh, cần chống chỉ định với trẻ dưới 12 tuổi (Ảnh: VnExpress)
Tại các nhà thuốc, miếng dán chống say xe được mua khá dễ dàng với giá khoảng 10.000-15.000, dùng để dán phía sau tai 1-4 giờ trước khi đi tàu xe để ngăn ngừa tình trạng chóng mặt, buồn nôn, nôn...
Trên bao bì miếng dán được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi nhưng theo các bác sĩ, cần chống chỉ định với trẻ dưới 12 tuổi. Nhiều trẻ 9-10 tuổi phải nhập viện vì tác dụng phụ sau khi sử dụng. Phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường sau khi dùng miếng dán cần nhập viện ngay và lưu ý khai rõ với bác sĩ về việc sử dụng.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo những người mắc bệnh gan, thận, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng sản phẩm này. Đặc biệt, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa 2 lần dán... để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải.
Trong quá trình dùng miếng dán chống say xe, nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như hoa mắt, nhức đầu, ảo giác... thì phải ngưng sử dụng ngay. Sau khi sử dụng nên gỡ miếng dán ra khỏi tay, rửa tay kỹ để tránh hoạt chất scopolamine dính vào thức ăn, nước uống, có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Xem thêm chà xát các ngón tay theo cách này, gan thận và dạ dày tự khỏe không tốn 1 xu