Căn bệnh khiến bé sơ sinh phủ lớp sừng trắng, nứt toác có nguyên nhân do đâu?
Mới đây, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã tiếp nhận và điều trị cho một trẻ sơ sinh toàn thân phủ một lớp sừng dày màu trắng đục, rạn nứt thành từng mảng ngay từ khi mới chào đời do mắc chứng da vảy cá bẩm sinh.
Bé sơ sinh chào đời với lớp sừng trắng phủ toàn thân do mắc bệnh da vảy cá bẩm sinh. Ảnh: PLO
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa qua đã tiếp nhận và điều trị cho một trẻ sinh non toàn thân phủ một lớp dày trắng đục, rạn nứt thành từng mảng do mắc chứng da vảy cá bẩm sinh.
Theo các bác sĩ, lớp da dày làm co kéo và biến dạng khuôn mặt của bé. Da vùng quanh mắt, miệng bị kéo căng khiến cho niêm mạc màu đỏ vùng mí mắt, môi bị lộ rõ ra ngoài trong khi bình thường niêm mạc này chỉ nằm bên dưới lớp da. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán mắc bệnh da vảy cá bẩm sinh (Harlerquin Ichthyosis), thể nặng nhất trong 9 thể của bệnh lý này.
Mẹ của bệnh nhi (27 tuổi, là phụ nữ dân tộc Dao) cho biết, trong quá trình mang thai lần này, chị không khám, theo dõi thai và xét nghiệm sàng lọc nên khi sinh con ra mới biết con mắc bệnh.
Da vảy cá là bệnh gì?
Bệnh da vảy cá có tên khoa học là Ichthyosis Vulgaris, và có thể được biết đến với tên bệnh vảy cá hoặc bệnh da cá. Bệnh thường xuất hiện trong độ tuổi từ 0 đến 7 tuổi, thậm chí có những trường hợp bệnh xuất hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra. Hầu hết trường hợp bệnh da vảy cá đều có biểu hiện nhẹ nên dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm da cơ.
Tuy nhiên, bệnh cũng có những thể tiến triển nặng gây ra tình trạng da nứt và đau. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể tập trung vào việc kiểm soát tình trạng bệnh.
Thông thường, các tế bào da sau khi kết thúc chu kỳ của mình sẽ bong ra và để lộ lớp tế bào da mới bên dưới để thay thế. Tuy nhiên không phải lúc nào chu kỳ này cũng diễn ra suôn sẻ.
Trong nhiều trường hợp, các tế bào chết không tự bong ra mà bám dính lại trên da tạo thành các mảng dày và khô điển hình như trong bệnh da vảy cá.
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh vảy cá là gì?
Các triệu chứng thường gặp của bệnh vảy cá là:
- Da khô, đóng vảy
- Các vảy nhỏ, xếp lớp
- Vảy có màu trắng, xám bẩn hoặc nâu – vảy sẫm màu thường ở da sẫm màu
- Da đầu bong từng mảng
- Các vết nứt sâu và đau ở da
Triệu chứng nghiêm trọng nhất là hình thành các vết nứt sâu đặc biệt là ở lòng bàn chân hay lòng bàn tay gây cảm giác đau đớn. Đây là biểu hiện của bệnh da vảy cá rất nặng và cần điều trị kịp thời nếu không muốn bệnh diễn biến xấu.
Các triệu chứng của bệnh da vảy cá có xu hướng trầm trọng hơn vào mùa đông khi không khí lạnh và khô. Đây cũng là điều kiện thời tiết lý tưởng với một số bệnh về da nên cần lưu ý bảo vệ và giữ ẩm cho da trong thời kỳ này để đảm bảo một làn da khỏe mạnh.
Nguyên nhân bệnh da vảy cá
Nhìn chung bệnh da vảy cá không phải bệnh nghiêm trọng và thường biến mất dần theo quá trình lớn lên của cơ thể. Một số người sẽ không gặp lại tình trạng này thêm bất cứ một lần nào trong đời nữa tuy nhiên với nhiều người khác, bệnh có thể xuất hiện trở lại ở tuổi trưởng thành. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh da vảy cá có thể kể đến như sau:
Di truyền là yếu tố hàng đầu không chỉ riêng với bệnh da vảy cá mà còn cả các bệnh về da khác nữa. Chỉ cần bố hoặc mẹ có gen lặn của bệnh da vảy cá hoàn toàn có khả năng truyền bệnh này cho thế hệ con của họ. Đây cũng là một trong những bệnh về da di truyền phổ biến nhất trong cộng đồng.
Trong một số trường hợp, bệnh da vảy cá không có liên quan gì đến di truyền nhưng lại liên quan đến các tình trạng bệnh khác như ung thư, HIV/AIDS, suy thận, bệnh tuyến giáp.... Đặc biệt có nhiều nghiên cứu đã chứng minh da vảy cá còn liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc mà người bệnh sử dụng để điều trị các bệnh khác.
Da vảy cá cũng có thể xuất hiện kèm theo các bệnh lý về da khác như viêm giác mạc hoặc viêm da dị ứng hay còn được gọi là bệnh chàm. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là các tổn thương của da. Khi lành, chúng để lại một vùng da dày hơn, đóng vảy hoặc tạo thành các mảng da khô ráp.
Phương pháp điều trị bệnh da vảy cá
Không chỉ tạo cảm giác khó chịu, các mảng da này còn khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp, và sinh hoạt hằng ngày. Vậy làm thế nào để loại bỏ hết những tế bào da chết này?
Phương pháp tẩy tế bào chết là giải pháp được dùng phổ biến hiện nay. Các phương pháp tẩy tế bào chết cũng đa dạng, từ sử dụng các loại hóa chất như alpha hydroxy acid, beta hydroxy acid, enzyme... đến các phương pháp cơ học như dùng bàn chải mềm hay khăn lau tùy theo mật độ tế bào chết trên da.
Những thói quen sinh hoạt giúp ngăn ngừa bệnh da vảy cá
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với bệnh vảy cá:
- Ngâm lâu trong bồn tắm để làm mềm da. Sử dụng xà bông nhẹ. Xoa da nhẹ nhàng bằng miếng bọt biển thô hoặc đá bọt để giúp loại bỏ vảy.
- Sau khi tắm hoặc tắm vòi sen, nhẹ nhàng vỗ nhẹ hoặc lau khô da bằng khăn để giữ ẩm cho da.
- Bôi kem dưỡng ẩm hoặc kem bôi trơn trong khi da vẫn còn ẩm ướt sau khi tắm. Chọn một loại kem dưỡng ẩm với urê hoặc propylene glycol – hóa chất giúp giữ ẩm cho da. Dầu sáp là một lựa chọn tốt khác.
- Bôi sản phẩm không cần toa có chứa urê, axit lactic hoặc axit salicylic nồng độ thấp, 2 lần mỗi ngày. Các hợp chất có tính axit nhẹ giúp da loại bỏ các tế bào chết. Urê giúp kết dính độ ẩm cho da.
- Sử dụng máy làm ẩm không khí di động hoặc máy gắn vào lò sưởi để tăng độ ẩm cho không khí trong nhà.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo khi mang thai, các bà mẹ cần thăm khám sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm sàng lọc để theo dõi sức khỏe cho thai nhi.