Cảm phục người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi rẻo cao
Suốt hơn 20 năm gieo chữ ở xã Nậm Tha – một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, thầy giáo Trần Đình Phúc cùng các giáo viên nơi đây đã kiên trì bám bản, bám lớp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người ở nơi rẻo cao.
Thầy Trần Đình Phúc (SN 1978, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) hiện đang là giáo viên dạy lớp 5 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Tha. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai, thầy Phúc mang theo hoài bão, kiến thức của mình đến với bản khó khăn của xã vùng cao Nậm Tha gieo chữ.
Thầy giáo Trần Đình Phúc - người hơn 20 năm công tác ở xã vùng cao Nậm Tha
Sáng học tiếng phổ thông, chiều học tiếng Dao
Tâm sự với PV Dân Việt, thầy Trần Đình Phúc chia sẻ: "Xã Nậm Tha khi ấy là một xã vùng núi hoang vắng, dân cư thưa thớt, các điểm trường cách xa khu dân cư. Khi biết tôi vào công tác ở vùng khó khăn này, vì không muốn các con khổ nên bố mẹ kịch liệt phản đối, nhưng tôi vẫn không từ bỏ con đường mình đã lựa chọn. Những ngày đầu đặt chân lên vùng đất này thật sự gian nan, từ xã Khánh Yên Hạ đi vào xã Nậm Tha phải cuốc bộ hơn 15 cây số trên con đường mòn dưới tán rừng nguyên sinh, rộng hơn 1m".
Thầy Phúc được phân công dạy tại điểm trường thôn Khe Tào, 100% học sinh là đồng bào người dân tộc Dao. Điểm trường lúc đó chỉ vẻn vẹn 20 học sinh với 5 lớp học (1 lớp đơn và 2 lớp ghép).
Gắn bó với vùng đất Nậm Tha hơn 20 năm nên thầy Phúc được học trò, người dân nơi đây tin yêu, quý mến
“Về công tác ở đây, sau khi lên lớp xong, các thầy cô ngủ tại một nhà tạm bợ trước UBND xã Nậm Tha. Ngôi nhà được lợp bằng lá cọ, người dân bổ cây vầu quây lại xung quanh, giường ngủ cũng làm bằng vầu. Vùng này rừng nguyên sinh còn nhiều, mùa đông sương mù phủ kín khắp xã, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, buổi sáng ngủ dậy lớp chăn màn ở trên ướt như ai đó vừa phun nước vào”, thầy Phúc nhớ lại.
Thời gian đầu, để có đủ số học sinh đến lớp, buổi sáng dạy học xong, buổi chiều thầy Phúc đi đến từng nhà trong thôn để vận động các em học sinh sáng hôm sau nhớ đến lớp học đầy đủ. Phải mất hơn một tháng trời làm công tác vận động, các em học sinh mới bắt nhịp được với lịch học.
“Cứ cuối tuần, tôi cùng với một số thầy cô ở các điểm trường khác trong xã Nậm Tha đi bộ ngược ra xã Khánh Yên Hạ để mua thức ăn, sắm sửa đồ dùng. Vì ở xa nên khi quay lại điểm trường thầy cô nào cũng vác trên lưng nửa bao tải gạo cùng thức ăn, đồ dùng cá nhân. Đi bộ 15 cây số mệt lắm, quần áo ướt đẫm mồ hôi”, thầy Phúc kể.
Thầy Phúc cho biết, chương trình dạy học những năm đó ít, học sinh chỉ học buổi sáng, buổi chiều nghỉ học ở nhà. Do bất đồng ngôn ngữ nên rất khó truyền đạt kiến thức bài giảng cho các em học sinh. Bởi vậy, buổi sáng thầy dạy tiếng phổ thông cho các em, buổi chiều, các em dạy lại dạy cho thầy những câu tiếng Dao cơ bản trong giao tiếp. Thầy dạy trò, trò dạy lại thầy. Dần dần thầy trò quý nhau hơn, công việc học tập cũng thuận lợi hơn.
Từng bị lũ cuốn
Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, thầy Phúc chia sẻ, nhiều lúc thầy từng có suy nghĩ muốn bỏ cuộc trở về quê sống với gia đình nhưng chính đức tính thật thà, chất phác của người dân, sự thân thiệt, dễ gần, đáng yêu của học trò đã níu bước chân thầy ở lại.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngôi trường khó khăn ngày nào thầy Phúc gieo chữ cho con em đồng bào người dân tộc nay đã được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của các học sinh.
Thầy Phúc cho hay, phụ huynh và học sinh Nậm Tha rất quý các thầy cô giáo. Việc tặng bó rau, túi gạo, con gà cho các thầy cô những lúc khó khăn cũng là động lực giúp các thầy cô bám bản, bám lớp.
“Hồi đó, trong lớp có cả những học sinh đã ở độ tuổi 18 – 19 nhưng mới học lớp 5. Tôi còn nhớ, hai cậu học trò của tôi là Triệu Tòn On và Triệu Tòn Cầu địu cả con trên lưng đến lớp học”, thầy Phúc cười.
Chia sẻ thêm về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở nơi rẻo cao, thầy Phúc bộc bạch: “Cuối tháng 5/1999, hôm đấy trời mưa rất to, điểm trường Khe Tào lại ở bên kia suối. Nước suối dâng cao, để sang được điểm trường, người dân dùng bè mảng qua đón chúng tôi. Đến giữa suối, nước lũ chảy xiết, chèo chống không chắc tôi rơi xuống suối, các thầy cô khác hò hét to kêu cứu. Nhưng may mắn, tôi là người biết bơi từ bé nên nhanh chóng vật lộn thoát được dòng lũ dữ để vào bờ”.
Nên duyên vợ chồng nơi núi rừng
Thầy Phúc vào công tác tại Nậm Tha được vài năm, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương nên con đường mòn băng rừng, vượt núi ngày nào nay đã được thay thế bằng con đường dân sinh, có xe cộ đi lại.
Sự hồn nhiên, ngây thơ của học trò là một trong những lý do giúp thầy Phúc gắn bó với người dân mấy chục năm qua
"Sau khi nhà nước mở đường vào Nậm Tha, tôi sắm được 1 con xe “Min khờ (Minsk - PV)” để tiện đi lại. Hôm đó, từ Khánh Yên Hạ đi về Nậm Tha trời mưa nên đường khá trơn. Về đến thôn Ken 3, xã Chiềng Ken, xe của tôi bị chết máy. Loại xe này rất nặng, một mình không thể đẩy lên dốc được. May lúc đó, có cô em gái người dân tộc Tày là Hà Thị Thập (vợ tôi bây giờ - PV) đẩy xe hộ tôi. Thấy em vừa xinh xắn, lại dễ gần, tôi xin làm quen, dạy học xong, cuối tuần, tôi lại sang đấy chơi. Dần dà chúng tôi nên duyên từ lúc nào không biết. Hiện tại vợ chồng tôi có 2 cháu, 1 cháu học lớp 7 và 1 cháu mới hơn 1 tuổi", thầy Phúc kể.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Phùng Văn Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Tha cho biết, thầy Phúc là một trong những giáo viên đầu tiên đặt chân lên “cắm bản” ở Nậm Tha, là người tận tụy với công tác giảng dạy, được học sinh tin yêu, người dân quý mến, sống rất tình cảm. Với đồng nghiệp, thầy Phúc là người tận tình giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ, sống hòa nhã… Năm nào thầy cũng được khen thưởng với danh hiệu lao động tiên tiến, nhiều năm là chiến sĩ thi đua.
Tag: thầy giáo cắm bản, 20 năm cắm bản, cảm phục thầy giáo, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, ngày mới tốt lành