BV huyện cứu sống thanh niên bị thanh gỗ đâm thủng bụng, đã chết lâm sàng

23-11-2018 21:54:40

Khi bệnh nhân đến viện đã ở trong tình trạng mạch, huyết áp về 0, nếu chuyển lên tuyến trên bệnh nhân có nguy cơ tử vong dọc đường rất cao.


BVĐK Thạch Thất cứu sống bệnh nhân bị thanh gỗ đâm thủng bụng. Ảnh: Lê Công.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H. (22 tuổi, ở Tân Xã, Thạch Thất) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, do bị tai nạn lao động.

Bố bệnh nhân cho biết, khi H. đang làm cưa sẻ gỗ tại một xưởng mộc tại xã Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) thì không may bị máy văng thanh gỗ vào người và đâm xuyên thành bụng.

Cú đâm mạnh và bất ngờ khiến H. bị ngã, sau đó H. tự rút thanh gỗ ra khỏi cơ thể, khiến tình trạng mất máu càng trở nên nặng nề hơn. Khi phát hiện ra sự việc, mọi người đã đưa H. vào bệnh viện cấp cứu.

BS CK II Vương Trung Kiên – GĐ Bệnh viện Thạch Thất cho biết, khi nhập viện bệnh nhân đã ở trong tình trạng nguy kịch, mạch và huyết áp đều về 0. “Trong tình trạng nguy kịch như vậy, dù vết thương rất nặng nhưng nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, có thể bệnh nhân sẽ tử vong ở dọc đường. Vì thế, chúng tôi đã huy động các bác sĩ, tiến hành cấp cứu người bệnh ngay tại viện”, BS Vương Trung Kiên chia sẻ.

Qua thăm khám lâm sàng cho thấy, bệnh nhân có vết thương thấu vùng bụng hố chậu phải 2cm, với chẩn đoán sock mất máu, rách tĩnh mạch chủ bụng, tĩnh mạch chậu ngoài phải, thủng ruột non và mạc treo nhiều vị trí.

Sau khi hội chẩn bệnh nhân được chỉ định truyền 2 đơn vị máu, 2 đơn vị huyết tương và đưa lên phòng mổ cấp cứu. Sau 2 giờ, ca mổ đã thành công. 6 giờ sau mổ bệnh nhân đã tỉnh và hiện vẫn đang được chăm sóc và điều trị tại khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất).

BS CK II Vương Trung Kiên cho biết, với những trường hợp như bệnh nhân trên, nếu châm trễ trong việc cấp cứu sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, do bệnh nhân mất máu nhiều, nên việc luôn chuẩn bị nguồn máu tại viện để sẵn sàng cấp cứu trong những trường hợp khẩn cấp như thế này là vô cùng quan trọng.

Trong trường hợp người bệnh nguy kịch đến viện cấp cứu, lúc đó mới huy động hiến máu hoặc điều phối máu từ nơi khác đến thì có lẽ khó để cứu sống được người bệnh. Vì thế. Việc có sẵn nguồn máu dự trữ là vô cùng cần thiết”, BS Kiên chia sẻ.

Cũng qua trường hợp này, BS Vưỡng Trung Kiên cho rằng, với những tai nạn lao động tương tự, người bệnh nên gọi cấp cứu để có hướng dẫn và sơ cứu kịp thời, không nên tự ý rút di vật ra khỏi vùng bị thương.

“Đối với những tai nạn dị vật nhỏ có thể rút ra được. Tuy nhiên, đối với trường hợp có dị vật lớn, việc tự ý rút dị vật ra khỏi cơ thể có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, như mất máu, tổn thương các bộ phận khác…Cách tốt nhất là khi bị tai nạn nói chung và tai nạn lao động nói riêng, những người xung quanh cần gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt, để được hướng dẫn cũng như sơ cứu kịp thời”, BS Kiên khuyến cáo.


Xem thêm clip: Tỏ tình bị từ chối, chàng trai dùng dao rọc giấy cắt 'của quý'

Lê Công
Theo Đời sống Plus/GĐVN //