BS sản khoa nói về 'sinh con thuận tự nhiên': Miếng thịt để ngoài 6 tiếng đã thối huống hồ bánh nhau để 6 ngày

07-03-2018 10:04:17

Trao đổi với PV Đời sống Plus, BS Lê Thị Kim Dung cho hay 'sinh con thuận tự nhiên' không cắt rốn là đi ngược với sự tiến hóa của nhân loại, vì miếng thịt để ngoài 6 tiếng đã thối huống hồ bánh nhau để 6 ngày.

Sự kiện:


Chị A.M chia sẻ về cách "sinh con thuận tự nhiên" của mình

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội chia sẻ chóng mặt về cách "sinh con thuận tự nhiên" của chị A.M ở Hưng Yên với những thông tin bất ngờ.

Theo đó, chị A.M chia sẻ, chị đã ăn chay trong thai kỳ, tự sinh con ở nhà, tự đỡ đẻ, không chích ngừa, không cắt rốn, da kề da liên tục sau 4h sinh và em bé đã tự tìm ti mẹ sau 30 phút sinh con. Vào ngày thứ 6, con chị tự rụng rốn và được khen là có rốn rất đẹp.

Ngay sau khi đăng tải, câu chuyện sinh con thuận tự nhiên của chị A.M nhận được rất nhiều phản hồi của dư luận. Nhiều người tỏ ra bất ngờ với cách sinh con này của chị A.M. Nhưng cũng có không ít ý kiến phản bác, cho rằng đây là "thành tích chết người", phản khoa học, không đáng khoe khoang.


Ngay sau khi chia sẻ, việc "sinh con thuận tự nhiên" đã tạo nên làn sóng tranh cãi rất lớn trong dư luận.

Ngay lập tức, chị A.M đã lên tiếng trần tình. Chị A.M cho hay, đây là lần thứ hai chị A.M sinh con. Lần đầu tiên, chị sinh con tại bệnh viện, còn lần này, chị tự sinh ở nhà.

"Mình đã có một thai kỳ khỏe mạnh và nhẹ nhàng suốt 39 tuần và chuyển dạ cũng không hề đau đớn như lần sinh em bé thứ nhất ở viện. Lúc chuyển dạ chỉ có cơn co đau tức thúc xuống dưới trong khoảng 10 phút và mình sinh em bé khá dễ dàng. Cả hai mẹ con đều ổn"- chị A.M chia sẻ.

Người mẹ 2 con ở Hưng Yên này cũng cho biết thêm, trong quá trình mang thai, chị có siêu âm các mốc 12, 22, 32 tuần. Đến 36 tuần, chị cũng làm hồ sơ sinh, thử máu và nước tiểu, chạy máy moniter nhưng vì có ý định sinh con ở nhà nên không quan tâm nhiều. Đến thời điểm chuyển dạ, chị A.M có các cơn đau thúc xuống khoảng 10 phút là con ra luôn.

"Mình sinh con ở tư thế quỳ, rặn 3 hơi là con ra rồi tự lau cho con và ôm con da tiếp da. Thực ra lúc mình đau và leo lên giường, chồng có chạy đi gọi bà đỡ vì lo nhưng bà đỡ đến mình đã sinh rồi, bà chỉ giúp vệ sinh thôi"- chị A.M chia sẻ.

Về những quan điểm trái chiều xung quanh việc sinh con thuận tự nhiên, chị A.M cho hay: "Mình không hề viết một dòng nào liên quan đến việc phủ nhận vai trò của bệnh viện hay lên án việc sinh con ở bệnh viện và xúi giục các mẹ khác học theo mình, mình chỉ động viên các mẹ đang nghiên cứu phương pháp này giống như mình sẽ có thêm niềm tin là nó không hề bất khả thi như mọi người nghĩ".

Chị A.M cũng cho biết, dù sinh con tại nhà không nhờ đến sự hỗ trợ của y tế nhưng bà mẹ đến từ Hưng Yên cho biết sau khi sinh, sức khỏe của hai mẹ con đều ổn, bản thân chị có thể tự túc được các sinh hoạt hàng ngày sau khoảng 1 tuần. 

"Đó là kết quả của việc tu tập, nghiên cứu và chuẩn bị vô cùng nghiêm túc của cả hai vợ chồng mọi thứ diễn ra thuận lợi giống như những gì bọn mình đã dự tính chứ k phải sự nhắm mắt làm liều và ăn may"- chị A.M chia sẻ thêm.


BS Lê Thị Kim Dung, Trưởng khoa sản Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội)

Trong khi đó, trao đổi với PV Đời sống Plus, BS Lê Thị Kim Dung, Trưởng khoa sản Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết, "cách sinh con thuận tự nhiên" như chị A.M là phản khoa học và đi ngược lại sự tiến hóa của nhân loại.

"Khi nhìn thấy hình ảnh đứa bé mới sinh quấn trong tã nằm cạnh bánh nhau, tôi đã rất hoảng hốt. Vì một miếng thịt mà để bên ngoài 6 tiếng nó đã thối rồi, huống hồ mình còn để một bánh nhau ở bên ngoài cơ thể những 6 ngày trời mà đứa bé thoát chết thì quả thật đó là trường hợp vô cùng đặc biệt. 

Còn câu chuyện này, tôi cho rằng là thực sự phản khoa học và đi ngược lại sự tiến hóa của nhân loại. Đây là trường hợp ăn may mà thoát chết chứ không phải là một thành tích để truyền bá rộng rãi"- BS Lê Thị Kim Dung nói.

BS Lê Thị Kim Dung cũng cho hay, việc sinh con không có sự chích ngừa vacxin là đẩy lùi sự tiến hóa về thời tiền sử. Bởi lẽ, hiện nay, tuổi thọ trung bình của con người ngày càng được cải thiện, phần lớn nguyên nhân là thành quả của tiêm phòng vacxin và hệ thống y tế dự phòng.

Khi được hỏi về việc tại một số nước ở Châu Âu hay Mỹ người ta vẫn có dịch vụ sinh tại nhà , BS Lê Thị Kim Dung cho biết, điều này chỉ áp dụng trong một số ít trường hợp. Đó là khi người mẹ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, sản phụ và gia đình được tư vấn những bất lợi cũng như tai biến có thể xảy ra một cách bất ngờ trong cuộc sinh, gia đình sản phụ phải liên hệ với bệnh viện và bệnh viện cử nhân viên y tế về hỗ trợ chứ không phải tự sinh như trường hợp của sản phụ trên.

"Nếu các bà mẹ học theo người mẹ trên tự sinh con thì vô cùng nguy hiểm. Vì biến chứng băng huyết sau sinh- biến chứng nguy hiểm xảy ra ngay lúc sinh- là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ. Nó xảy ra khi máu chảy không ngừng từ tử cung, cổ tử cung, hoặc âm đạo. Trường hợp này phải được xử lý cấp cứu một cách nhanh chóng bởi một đội ngũ các bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê hồi sức… với những thuốc đặc trị và thậm chí cần phải truyền máu để cứu sản phụ. Nếu sản phụ sinh tại nhà thì khi xảy ra tai biến này thì không thể cấp cứu được"- BS Lê Thị Kim Dung nói.


Xem thêm Lạnh gáy với lời khai của ca sĩ Châu Việt Cường

Thanh Hà
Theo Đời sống Plus/GĐVN //