Bình sữa nóng đổ vào người khiến bé 7 tháng tuổi bỏng nặng
Trong lúc bò chơi quanh nhà, cháu bé đã chạm vào bình ủ, khiến sữa nóng đổ vào người. Mẹ bé đã dùng kem đánh răng bôi vào vết bỏng rồi vội vàng đưa bé đến bệnh viện.
Ngày 27/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ khoa Bỏng đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu cho một bệnh nhi 7 tháng tuổi bị bỏng do bị bình sữa nóng đổ vào người.
Bệnh nhi là cháu Nguyễn Thành Kh., nhập viện trong tình trạng bỏng tay trái và hai chân. Chị T. - mẹ cháu bé cho biết, khi đang trông con, do vội vàng, chị đặt bình ủ sữa đang nóng dưới sàn rồi quay xuống bếp.
Trong lúc bò chơi quanh nhà, bé Kh. đã chạm vào bình ủ, khiến sữa nóng đổ vào người. Trong lúc hốt hoảng, chị T. đã dùng kem đánh răng bôi vào vết bỏng rồi vội vàng đưa con đi bệnh viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán bỏng tay trái và hai chân, một số khu vực bỏng độ II, một số khu vực bỏng độ III. Việc người mẹ dùng kem đánh răng bôi lên vùng bỏng là cách xử lý chưa đúng, không giúp dịu vết bỏng mà còn khiến con đau đớn hơn.
Các bác sĩ đã nhanh chóng dùng thuốc xịt bỏng, sau đó sử dụng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, kết hợp thuốc giảm đau, truyền dịch, kháng sinh, thay băng tại chỗ hàng ngày. Dự kiến bé Kh. có thể ổn định và được ra viện sau 4 tuần điều trị.
Cháu bé bị bỏng nặng do bình sữa nóng đổ vào người. Ảnh: BVĐKXP
Trao đổi với Vietnamnet, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay, thời gian gần đây bệnh viện này thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị bỏng. Độ tuổi bị bỏng nhiều nhất là từ 2 đến 5 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ rất hiếu động, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức được nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp ở trẻ em là bỏng do nước sôi, ngoài ra có thể là dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất. Tổn thương bỏng rất đa dạng. Trong đó, bỏng ở vị trí cánh tay, đặc biệt là bàn tay tác động nhiều đến sinh hoạt và lao động. Các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản của trẻ.
Bác sĩ khuyến cáo, tổn thương do bỏng cần được xử trí đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên. Nếu xử lý sai, vết thương có thể nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí là thương tật vĩnh viễn cho trẻ. Sau sơ cứu ban đầu, trẻ cần được đưa đến các đơn vị chuyên khoa về bỏng để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng.