Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Mỹ lan sang Thụy Sĩ
Cuộc biểu tình phản đối cái chết của ông George Floyd, một người Mỹ gốc Phi, đã diễn ra ở thành phố Zurich, thành phố lớn nhất ở Thụy Sĩ.
Tuần hành phản đối tình trạng bạo lực của cảnh sát ở Minneapolis (Mỹ) khiến một người da màu thiệt mạng, tại Washington D.C., ngày 1/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 1/6, cuộc biểu tình phản đối cái chết của ông George Floyd, một người Mỹ gốc Phi, đã diễn ra ở thành phố Zurich, thành phố lớn nhất ở Thụy Sĩ, bất chấp quy định cấm các hoạt động tụ tập đông người trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo TTXVN, cuộc biểu tình ở Zurich ước tính đã thu hút sự tham của hàng nghìn người.
Sự kiện này diễn ra một cách ôn hòa, trong khi cảnh sát kêu gọi những người biểu tình giải tán vì vi phạm quy định về giãn cách xã hội và số lượng tham gia vượt quá sự cho phép của chính phủ.
Trước đó, tại Canada, chiều tối 31/5, hàng nghìn người đã tập trung trước trụ sở cảnh sát thành phố Montreal, Canada để biểu tình phản đối tình trạng bạo lực sắc tộc sau vụ người đàn ông da màu George Floyd tử vong khi bị cảnh sát bắt ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ.
Những người tổ chức cuộc biểu tình ở Montreal cho biết mục đích của hoạt động này là nhằm thể hiện tình đoàn kết với phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Đây cũng là cơ hội để người dân Canada lên tiếng những vụ bạo lực tương tự ở Quebec và những khu vực khác ở Canada do phân biệt chủng tộc.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Sở cảnh sát thành phố Montreal có phạt những người biểu tình vì không tôn trọng biện pháp giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19 hay không. Những người tổ chức cuộc biểu tình khẳng định đã kêu gọi thực hiện giãn cách và yêu cầu người tham gia đeo khẩu trang.
Trong khi đó, hàng trăm người đã tham gia các cuộc biểu tình ngày 31/5 ở thủ đô Anh và Đức để bày tỏ đoàn kết với phong trào biểu tình ở Mỹ về cái chết của George Floyd. Tại London, người biểu tình tập trung ở quảng trường Trafalgar, hô khẩu hiểu ủng hộ bình đẳng và hòa bình trước khi tiếp tục tuần hành qua tòa nhà Quốc hội và dừng chân bên ngoài Đại sứ quán Mỹ.
Cảnh sát Anh cho biết đã thực hiện 5 vụ bắt giữ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ, trong đó có 3 trường hợp vi phạm các quy định phong tỏa trong giai đoạn dịch bệnh và 2 trường hợp tấn công cảnh sát. Khoảng vài trăm người biểu tình cũng đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Berlin.
Công dân Mỹ gốc Phi George Floyd đã tử vong ngày 25/5 sau khi bị 4 cảnh sát Mỹ bắt giữ. Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được xác định là Derek Chauvin, đã đè cổ ông Floyd xuống đất bằng đầu gối trong gần 8 phút, trong khi ông này nằm sấp, bị còng tay và nói mình không thở được. Ông Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Viên cảnh sát Chauvin đã bị bắt giữ với cáo buộc giết người cấp độ 3 và ngộ sát.
Vụ việc trên đã làm dấy lên làn sóng biểu tình trong những ngày qua ở Mỹ, làm bùng "ngọn lửa" âm ỉ lâu nay về vấn nạn phân biệt chủng tộc ở quốc gia này. Một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khi người biểu tình chặn các tuyến đường, phóng hỏa và đụng độ với cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng súng hơi cay và đạn cao su để lập lại trật tự.