Biểu tình lan rộng, cảnh sát Mỹ đồng loạt nghỉ việc
Nhiều cảnh sát tại các thành phố của Mỹ đã xin nghỉ việc trước làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc.
Biểu tình lan rộng, nhiều cảnh sát Mỹ đồng loạt nghỉ việc.Ảnh: CNN
Sau cái chết của George Floyd - nạn nhân người Mỹ gốc Phi vì cú ghì gối kéo dài hơn 8 phút của cảnh sát ngày 25/5, vai trò của hệ thống tư pháp nước Mỹ bỗng dưng thay đổi chóng mặt. Từ chỗ là lực lượng thực thi pháp luật, cảnh sát trở thành mục tiêu bị chỉ trích nặng nề, với các cuộc biểu tình lan rộng đỏi hỏi sự thay đổi trong hệ thống trị an quốc gia.
CNN ngày 17/6 đưa tin, nhiều cảnh sát tại các thành phố của Mỹ đã xin nghỉ việc trước làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc và phản đối lực lượng này ngày một lan rộng.
Tại thành phố Minneapolis - nơi George Floyd ra đi, đã có ít nhất 7 cảnh sát từ chức kể từ khi các cuộc biểu tình diễn ra hồi cuối tháng 5. Theo Casper Hill - đại diện thành phố, có thêm 7 - 8 cảnh sát khác đang hoàn tất hồ sơ nghỉ việc. Con số này chưa tính đến 4 cựu cảnh sát liên quan đến cái chết của Floyd đã bị sa thải.
Tại Nam Florida, có 10 sĩ quan cảnh sát từ chức khỏi đội đặc nhiệm SWAT do lo ngại về sự an toàn khi làm nhiệm vụ. Trong lá thư gửi đến CNN, các cảnh sát cho biết họ cảm thấy bản thân "bị hạn chế khi công vụ bị chính trị hóa", "trang bị nhỏ giọt, không được huấn luyện đầy đủ," thậm chí còn lo ngại cho sự an toàn của "chó cảnh vệ". Ngoài ra, họ còn cảm thấy không hài lòng khi chỉ huy lại quỳ xuống, tỏ ý ủng hộ người biểu tình.
Tại thành phố Atlanta, bang Goergia, Mỹ, nơi một người da màu khác là Rayshard Brooks, bị cảnh sát bắn chết, cảnh sát trưởng thành phố từ chức, sĩ quan giết Brooks bị sa thải và một người khác có liên quan bị đình chỉ công tác. Điều này cũng được cho là nguyên nhân "gián tiếp" khiến ít nhất 8 cảnh sát thành phố này nộp đơn nghỉ việc.
Trường hợp nghỉ việc hơn 10 cảnh sát cũng xảy ra tại nhiều thành phố ở Mỹ nhưng nhiều nhất là ở thành phố Buffalo, New York. Khi 57 sĩ quan xin rời khỏi nhóm phản ứng khẩn cấp nhằm thể hiện sự phản đối, khi hai đồng nghiệp của họ bị đình chỉ vì xô ngã một người biểu tình.
Trong một diễn biến khác, viên cảnh sát đã bắn nạn nhân Brooks, Garrett Rolfe đang đối mặt 11 tội danh, bao gồm giết người, hành hung bằng vũ khí chết người, và vi phạm lời tuyên thệ khi nhận nhiệm vụ. Nếu bị kết án, viên cảnh sát này đối mặt với án chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, viên cảnh sát đi cùng, bị buộc tội hành hung cấp độ nặng và vi phạm lời tuyên thệ khi nhận nhiệm vụ.