Bệnh cúm A/H5 nguy hiểm thế nào?
Sau 8 năm, Bộ Y tế vừa công bố 1 ca nhiễm cúm gia cầm A/H5. Căn bệnh này nguy hiểm thế nào?
Ảnh minh họa.
Ngày 20/10, nước ta ghi nhận một bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ dương tính với cúm A/H5. Trước đó, ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.
Đến ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, sau đó nhập viện và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Đến khi được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân được xét nghiệm và chẩn đoán dương tính với cúm A/H5.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đây là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5.
Vậy cúm A/H5 có nguy hiểm không? Làm thế nào để phòng tránh cúm A/H5?
Bệnh cúm gia cầm lây sang người A/H5 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5 gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và của các nước, từ đầu tháng 1/2020 đến tháng 2/2020, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ví dụ như chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N1 tại Ấn Độ, A/H5N1 tại Trung Quốc... Riêng tại Trung Quốc, ngày 1/2/2020, ổ dịch được phát hiện tại một trang trại ở quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam. Trang trại có 7.850 con gà và 4.500 con trong số này đã chết vì bị cúm gia cầm. Giới chức địa phương đã tiêu hủy 17.828 con gia cầm sau khi dịch bùng phát.
Liên quan đến ca mắc cúm A/H5 ghi nhận trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm. Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng.
Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Cũng theo Cục Thú y, virus gây bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay thuộc nhánh H5N1 2.3.2.1c (chủ yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) và H5N6 2.3.4.4h, 2.3.4.4f, 2.3.4.4g (phân bố tại nhiều vùng trong cả nước). Phân tích các đặc tính sinh học phân tử cho thấy không có sự biến đổi lớn, có tính đặc hiệu với thụ thể bám trên gia cầm.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.