Bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, miền Bắc mưa to

25-08-2022 16:15:22

Dự báo bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, ở trên khu vực đất liền phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 250km về phía Đông Đông Bắc gây mưa to ở khu vực miền Bắc


Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 3 Maon. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo đến 13 giờ ngày 26/8, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, ở trên khu vực đất liền phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 250km về phía Đông Đông Bắc. Mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km tính từ tâm bão.

Vùng nguy hiểm trên biển đến 13 giờ ngày 26/8 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. 

Do ảnh hưởng của bão số 3, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông trong chiều 25/8 còn có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-5 m; biển động rất mạnh. Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,5-3,5 m. Biển động mạnh.

Trên đất liền, từ chiều 25/8 đến sáng 26/8, khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh khả năng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; khu vực Hải Phòng, Lạng Sơn khả năng có gió giật cấp 6-7. Từ chiều 25/8 đến đêm 26/8, khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, tổng lượng mưa tích lũy phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm; Thanh Hóa 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng cục bộ tại các khu dân cư, vùng trũng thấp đối với các huyện: Thanh Sơn, Thanh Thủy (Phú Thọ); Đà Bắc, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình). Các huyện sau đây cần chú ý theo dõi: Yên Lập (Phú Thọ); Mai Châu, Tân Lạc (Hòa Bình). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng cục bộ tại các khu dân cư, vùng trũng thấp đối với huyện: Tây Hòa (tỉnh Phú Yên). Các huyện sau đây cần chú ý theo dõi: Phú Hòa, Đông Hòa, Sông Hinh, thành phố Tuy Hòa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Các chuyên gia khuyến cáo: Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những phương án cụ thể để phòng tránh; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em. Mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh; thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian có lũ quét...

Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //