Bác sĩ giải đáp ‘tất tần tật’ về bệnh tay chân miệng cha mẹ nào cũng cần
Hiện nay chưa có phương pháp đặc trị bệnh tay chân miệng. Người bệnh chỉ có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như sốt hay đau do các vết loét do bệnh gây ra.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm và thường ghi nhận số mắc tăng cao vào các tháng 9, 10, 11. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn thiếu kiến thức về căn bệnh này.
Dưới đây là những giải đáp của TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương về bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc trưng của bệnh này là sốt cao, loét trong khoang miệng, nổi ban có bọng nước ở bàn tay, chân và cả ở mông.
Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng?
Các vi rút thuộc nhóm enterovirus là nguyên nhân gây ra bệnh chân tay miệng.
Bênh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi vi rút coxsackievirus A16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể bắt nguồn từ các vi rút enterovirus 71 (EV71) với rất nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
Phát ban thường trong lòng bàn tay là một trong các triệu chứng của bệnh chân tay miệng.
Bệnh tay chân miệng nghiêm trọng đến mức nào?
Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau khi mắc bệnh ở thể cấp tính. Bệnh tay chân miệng do nhiễm vi rút coxsackievirus A16 là bệnh ở thể nhẹ, và gần như tất cả bệnh nhân đều hồi phục sau từ 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị y tế và ít có biến chứng.
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi vi rút EV71 có thể tiến triển thành bệnh viêm màng não và viêm não, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm các biến chứng về thần kinh, tim mạch và hô hấp. Đã có những trường hợp tử vong do vi rút EV71 gây bệnh viêm não trong các đợt bùng phát.
Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện bao lâu sau khi nhiễm bệnh?
Thời kỳ ủ bệnh thường thấy (từ khi nhiễm bệnh cho đến khi bắt đầu có triệu chứng) là 3-7 ngày.
Sốt, kéo dài từ 24 đến 48 tiếng, là triệu chứng đầu tiên thường gặp của bệnh tay chân miệng.
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng.
Từ một đến hai ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở đau rát xuất hiện trong miệng. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.
Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường khu trú trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.
Bệnh nhân có thể không có triệu chứng, hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.
Trẻ bị nhiễm bệnh tay chân miệng như thế nào?
Vi rút gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Nguy cơ lây lan mạnh nhất là trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, nhưng giai đoạn lây nhiễm có thể kéo dài vài tuần (do vi rút khu trú trong phân).
Trẻ có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần không?
Có, mỗi lần nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, bạn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm enterovirus.
Một bệnh nhi đang điều trị bệnh tay chân miệng tại bệnh viện.
Cách điều trị bệnh tay chân miệng?
Hiện nay chưa có phương pháp đặc trị bệnh tay chân miệng. Người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như sốt hay đau do các vết loét.
Bệnh tay chân miệng có thể phòng ngừa được không?
Chưa có thuốc phòng chống vi rút hoặc các loại vắc xin đặc hiệu để phòng ngừa các loại vi rút enterovirus không gây bại liệt là tác nhân của bệnh tay chân miệng. Có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh chặt chẽ và can thiệp y tế kịp thời khi trẻ có các triệu chứng nghiêm trọng.
Làm sao để phòng ngừa bệnh tay chân miệng
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã;
Rửa sạch các bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn (bao gồm đồ chơi) trước tiên với nước và xà phòng, sau đó tẩy trùng bằng chất tẩy có chứa chlorine pha loãng;
Tránh tiếp xúc trực tiếp (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng, v.v) với trẻ bị nhiễm bệnh cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm;
Không để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang nhiễm bệnh đến nhà trẻ, mẫu giáo, trường học hoặc tụ tập đông người cho đến khi khỏe hẳn;
Theo dõi sát sao tình trạng của trẻ nhiễm bệnh và can thiệp y tế kịp thời nếu sốt cao liên tục, mất tỉnh táo và hoặc tình trạng chung diễn biến theo chiều hướng xấu;
Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho;
Vứt khăn giấy và tã đã qua sử dụng vào thùng rác được đậy;
Giữ vệ sinh tại nhà, trung tâm chăm sóc trẻ, nhà trẻ mẫu giáo hoặc tại trường học.