Bác sĩ cảnh báo những rối loạn tâm thần thường gặp khi học online
Học online kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến học sinh dễ mắc các nguy cơ rối loạn tâm thần, ảnh hưởng đến tâm lý.
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người ở mọi các lứa tuổi phải làm việc và học online ở nhà qua máy tính, điện thoại có kết nối internet. Tuy nhiên, việc cho học sinh học online kéo dài ở nhà dễ khiến trẻ có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần. Những cảm xúc tiêu cực hay các mối quan hệ trong việc học trực tuyến khiến trẻ nảy sinh lo âu, kiệt sức và trầm cảm.
Trao đổi trên Sức khỏe và đời sống, PGS.TS. Bùi Quang Huy- Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, các rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ do học online kéo dài như dễ nghiện game online, phát sinh chứng lo âu, trầm cảm,...
Nói về vấn đề nghiện chơi game, PGS.TS. Bùi Quang Huy cho hay, do học sinh học một mình trong trong phòng kín, không ai giám sát dễ sa đà sang việc chơi game sau giờ học thậm chí là sau khi điểm danh. "Chỉ cần chơi game mỗi ngày trên 4 giờ, thời gian liên tục (ngày nào cũng chơi game) trên 1 tháng là sẽ phát triển thành nghiện game", bác sĩ Huy nói thêm. Theo ông, để cai nghiện game, trẻ phải được điều trị nội trú trong khoa tâm thần bằng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm mới. Sau cai nghiện, bệnh nhân cần phải từ bỏ internet (hết học online), uống thuốc củng cố tối thiểu 6 năm.
Ngoài nghiệm game, học online kéo dài còn gây ra nguy cơ bị lo âu và làm nặng thêm với những người đã mắc chứng bệnh này. Những trẻ khi mắc chứng lo âu có biểu hiện dễ nhận biết như lo lắng về bất kì một chuyện gì, bồn chồn, đứng ngồi không yên, đánh trống ngực, khó tập trung và ghi nhớ, dễ mệt, đau mỏi vùng cổ gáy, đầy bụng, đái rắt, run tay...
Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.
Bên cạnh đó, trẻ còn có nguy cơ mắc chứng trầm cảm do học online lâu ngày. Khi mắc chứng bệnh này, trẻ có nhiều triệu chứng như mặt ủ rũ, buồn bã, than phiền mệt mỏi, bi quan mà không có lý do gì, mất năng lượng, mất hết các sở thích vốn có như nghe nhạc, xem phim, sút cân rõ ràng, khó vào giấc ngủ... Ngoài ra, bệnh nhân có lo lắng nhiều, khó chú ý, khó ghi nhớ bài học hoặc những việc mà bố mẹ dặn phải làm, hay quên làm bài tập cô giáo giao. Nguy hiểm hơn, một số trẻ có ý định và hành vi tự sát.
PGS.TS. Bùi Quang Huy đưa ra lời khuyên, nếu thấy trẻ có những biểu hiện trên cần đưa trẻ đi khám bệnh ở bác sĩ tâm thần để được khám và điều trị kịp thời.
Trước đó, chia sẻ trên Tiền Phong, BS Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trưởng khoa Khám Tâm lý - Tâm thần Trẻ em, Bệnh viện Tâm Thần TPHCM cũng cảnh báo việc học online kéo dài dễ khiến trẻ mắc chứng rối loạn tâm thần.
Theo bác sĩ Tiên, việc học trực tuyến đang gây ra những hệ lụy về tật khúc xạ. Ngoài ra, sóng wifi, sóng màn hình đã tác động lên hệ thần kinh của trẻ gây ra sự mệt mỏi cho hệ thần kinh. Bên cạnh đó, ánh sáng xanh từ màn hình khiến nhiều trẻ bị rối loạn giấc ngủ, gây mất ngủ thường xuyên. Qua thực tế thăm khám, các bác sĩ ghi nhận, trẻ không hiểu hết được bài khi học trực tuyến nhưng không biết hỏi ai hoặc sợ phải hỏi lại cha mẹ, thầy cô nên đã gây ra tâm lý lo âu dẫn tới trầm cảm và có suy nghĩ tiêu cực, nguy hiểm đến sức khỏe, sinh mạng.
BS Kiều Tiên khuyến cáo, trong thời gian trẻ học trực tuyến, nhà trường cần chủ động những phương án dạy và học để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, đồng thời giảm áp lực, căng thẳng khi trẻ thường xuyên phải ngồi trước các thiết bị điện tử. Gia đình cần giữ cho trẻ một chế độ sinh hoạt hợp lý, khoa học, không ăn nhiều chất béo, ngủ đúng giờ, đủ giấc.
Cần quan tâm đến thời gian giải trí cho trẻ nhưng phải hạn chế tối đa việc giải trí bằng thiết bị điện tử. Phụ huynh cần kéo trẻ ra khỏi thế giới ảo và đưa con đến những hoạt động mang tính chất kỹ năng, thực tế, đảm bảo sự phát triển của trẻ một cách lành mạnh.