Anh hủy kế hoạch trữ 5.000 tấn amoni nitrat sau vụ nổ ở Lebanon
Theo BBC, kế hoạch lưu trữ gần 5.000 tấn amoni nitrat tại cảng Portsmouth của Anh bị hủy sau khi xảy ra vụ nổ ở cảng Beirut khiến 220 người thiệt mạng.
Cụ thể, công ty xếp dỡ hàng hóa Portico Shipping đã lên kế hoạch trữ 4.999 tấn phân bón nông nghiệp amoni nitrat ở cảng Portsmouth, miền nam nước Anh, cho một khách hàng tiềm năng.
Được biết, Amoni nitrat là hợp chất chủ yếu được dùng làm phân bón, nhưng cũng có thể trở thành thuốc nổ khi trộn với tạp chất. Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 khiến ít nhất 220 người chết, hơn 6.000 người bị thương, 110 người mất tích.
Trước đó, công ty Portico nộp đơn đăng ký trữ gần 5.000 tấn amoni nitrat, gấp đôi số hóa chất ở Beirut, tại cảng Portsmouth từ tháng 12 năm ngoái và cam kết công ty sẽ tuân theo các hướng dẫn nghiêm ngặt của ngành để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hồi đầu tuần này, công ty tuyên bố không trữ hàng nghìn tấn amoni nitrat nói trên nữa.
Cảng Portsmouth, miền nam nước Anh. Ảnh: BBC
"Kế hoạch này đã được thực hiện nhiều tháng trước dựa trên các cuộc thảo luận với một khách hàng tiềm năng đang cần vận chuyển chất này. Tuy nhiên, hợp đồng không thực hiện được và công ty đang rút đơn đăng ký của họ. Chúng tôi muốn làm rõ rằng chưa từng có bất kỳ lô hàng nào chứa amoni nitrat qua cảng và cũng không có lô hàng nào trong tương lai", Mike Sellers, giám đốc công ty Portico, cho biết.
Trước đó, Amoni nitrat, đã gây ra nhiều vụ nổ công nghiệp trong nhiều thập kỷ. Hợp chất này từng được dùng để chế bom giống trong vụ đánh bom tại thành phố Oklahoma, Mỹ, tháng 4/1995, khiến 168 người chết và hơn 680 người bị thương. Nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu yêu cầu trộn amoni nitrat với canxi cacbonat để tạo thành hợp chất an toàn hơn.
Mới đây, 2.750 tấn amoni nitrat phát nổ ngày 4/8 làm rung chuyển thủ đô Beirut, san phẳng hoặc gây hư hại nhiều công trình xung quanh. Với sức công phá ngang 240 tấn TNT, vụ nổ tàn phá hơn nửa thành phố, gây thiệt hại lên đến hàng tỷ USD và đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh mất nhà cửa.